Vì sao tăng trưởng kinh tế năm 2006 chậm lại?
Cho dù đây là mức tăng còn cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 7,51% của cả giai đoạn 2001-2005 (7,51%) và cũng là mức khá cao so với các nước trong khu vực Đông Á nhưng nhiều nhà nghiên cứu kinh tế cũng đã có những băn khoăn về sự suy giảm này. Trong cuộc họp báo công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam 2006 ngày 23.4, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã thử đưa ra một số lý giải về vấn đề này. Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban nghiên cứu hội nhập kinh tế quốc tế của CIEM, tổng vốn đầu tư xã hội của năm trước cho dù có sự gia tăng đáng kể (ước đạt 398,9 ngàn tỉ đồng, tăng 5,9% so với kế hoạch, gần bằng 41% GDP) và theo giá hiện hành, đầu tư ước tăng 19,1%, nhưng theo giá so sánh chỉ tăng gần 12%. Cả hai chỉ tiêu này đều thấp hơn so với năm 2005. "Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế năm 2006 thấp hơn 2005", ông Thành kết luận. Cũng theo ông Thành, trong cơ cấu vốn đầu tư, vốn đầu tư Nhà nước tiếp tục có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm hơn một nửa tổng đầu tư xã hội (50,1% năm 2006) và đây là một điều không tốt xét về lâu dài. Mặt khác, tiến độ thực hiện vốn tín dụng đầu tư cũng chưa đạt yêu cầu và không đạt mức kế hoạch. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ, mặc dù là năm liên tiếp có mức tăng trưởng khá cao, ước đạt 8,29%, cao hơn mức tăng trưởng GDP, nhưng vẫn là lĩnh vực phát triển dưới mức tiềm năng. Một vấn đề đáng chú ý khác được CIEM nêu trong báo cáo là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chung mới ban hành và phát huy hiệu quả từ 1.7.2006, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đầu tư của khu vực đầu tư tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tình trạng "vượt rào", cạnh tranh thu hút đầu tư đã được khắc phục nhưng xu hướng tiếp tục ào ào xây dựng các khu công nghiệp và khu chế xuất theo kiểu phong trào ở các địa phương vẫn diễn ra, mặc dù tỷ lệ lấp đầy nhiều nơi rất thấp đang gây nên tình trạng lãng phí vốn đầu tư. Cũng trong cuộc họp báo công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam 2006 hôm qua, CIEM cũng đã đưa ra một số dự báo về mức độ tăng trưởng kinh tế năm 2007. Theo CIEM, với "kịch bản cơ bản" (tức là nền kinh tế Việt Nam ở trong điều kiện bình thường phù hợp với triển vọng phát triển kinh tế thế giới và diễn biến kinh tế Việt Nam) thì GDP năm 2007 sẽ tăng 8,5%, mức lạm phát 7,7%, xuất khẩu tăng 23,1% và cán cân thương mại thâm hụt ở mức 4,3% GDP. Cùng với "kịch bản cơ bản" đó, CIEM nêu ra 2 kịch bản khác. Trong "kịch bản số 1", giả định kinh tế thế giới thuận lợi hơn và môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với nhà đầu tư nước ngoài, CIEM dự báo GDP tăng 8,7% và lạm phát tăng 7,9%. Còn trong "kịch bản số 2" mang nhiều yếu tố bất định hơn, CIEM dự báo GDP tăng 8,1% và lạm phát là 7,2%, nếu có sự thay đổi mạnh của giá dầu và số giải ngân FDI. Trong kịch bản này, CIEM giả định giá dầu năm 2007 giảm 20% và vốn FDI được giải ngân chỉ tăng 20% so với năm 2006.
Ý kiến ()