
Văn hóa công vụ
Tại Lễ phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” ngày 19/5/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khẳng định: Văn hóa công sở có trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích của người dân, của doanh nghiệp là mục tiêu.
Để xây dựng văn hóa công sở, Thủ tướng nêu 3 nội dung trọng tâm cần quan tâm triển khai trong thời gian tới, đó là: Cần xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở. Đây là yêu cầu mang tính tiền đề, xác định văn hóa công sở không thể cân đong, đo đếm được trực tiếp mà được hình thành từ trong ý thức của từng người, tạo nên niềm tin giá trị, động lực thôi thúc cách ứng xử làm việc của mỗi cá nhân. Mỗi cán bộ, công chức cần phải có niềm tin vững chắc vào giá trị văn hóa mà cơ quan, công sở của mình theo đuổi. Niềm tin đó thường chỉ có được khi chúng ta thực hành nêu gương, bắt đầu từ cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau, lãnh đạo làm gương, nhân viên soi vào mà thực hiện.
Cần kiến tạo nên môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả. Không thể có một công sở có văn hóa nếu môi trường làm việc thiếu các chuẩn mực của văn hóa, nội bộ tồn tại căng thẳng, soi xét lẫn nhau, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác; mục tiêu làm việc chỉ chú trọng đến tiền lương thay vì giá trị công việc được tạo ra và cống hiến. Môi trường công sở được ví như một xã hội thu nhỏ, gọn hơn là một gia đình, ở đó, hành xử có sự tương tác của mỗi cán bộ, công chức sẽ tạo nên bầu không khí và những giá trị nơi công sở. Do đó, cần thúc đẩy sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, sẽ giúp khơi nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và cống hiến, ở đây vai trò của người đứng đầu sẽ quyết định.
Cần hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ. Trong mọi vị trí và điều kiện công tác, phải luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm được giao, tạo sự tin tưởng và thân thiện với lãnh đạo, với đồng nghiệp và người dân. Tính chuyên nghiệp trong công sở thể hiện ở sự chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên, đồng cấp và cấp dưới, biết cách thức tổ chức công việc và hoàn thành các nhiệm vụ được giao đúng hạn, tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức, lành mạnh trong quan hệ, thăng tiến dựa trên năng lực và thành quả công tác.
Vậy xây dựng văn hóa công sở Quảng Ninh trong bối cảnh, tình hình mới, trong hình ảnh mới của tỉnh năng động, sáng tạo, đột phá, liên tiếp dẫn đầu năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính cấp quốc gia cần những gì? Tại Hội nghị triển khai phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” vừa được UBND tỉnh tổ chức tuần qua, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh trong phát động của mình đã nhấn mạnh nội dung, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tự giác thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức lối sống, đạo đức công vụ (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, thẳng thắn, chân thành; các chuẩn mực của đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc).
Văn hóa công sở đó không chỉ là những quy định bắt buộc phải thực hiện mà còn là sự tận tâm, tự nguyện với niềm cảm hứng của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ của mình, trong xây dựng cơ quan, tập thể vững mạnh, để xây ngôi nhà thứ hai của mình đoàn kết, là nơi đi xa muốn về, mỗi ngày muốn được đến làm việc, được cống hiến hết mình.
Ngọc Lan
Ý kiến ()