
Ứng phó với thiên tai
Mùa mưa bão năm nay được dự báo là có xu hướng hoạt động muộn hơn. Do đó, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh, có quỹ đạo phức tạp, khó lường. Cùng với đó là nguy cơ xuất hiện những hiện tượng thời tiết nguy hiểm, cực đoan như dông, sét, lốc, mưa đá tăng cao.
Theo dự báo thì mùa mưa bão 2019 có khả năng xuất hiện 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Trong đó có khoảng 4-5 cơn bão có ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trong nửa cuối năm.
Không chỉ có mưa bão, thời tiết nắng nóng cực đoan cũng gây nhiều khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân, ngưng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát sinh nhiều dịch bệnh. Theo dự báo, nhiệt độ trung bình các tháng mùa hè năm nay có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ, do đó mức nhiệt trong các đợt nắng nóng nhiều khả năng đạt 39-42 độ. Cũng không loại trừ một số điểm có nhiệt độ cao vượt kỷ lục.
Với thời tiết diễn biến phức tạp, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai, gồm: 1 cơn bão; 105 trận dông lốc, sét; 4 đợt mưa lũ, lũ quét; 4 đợt rét đậm, rét hại; 6 đợt nắng nóng...
Thiên tai đã khiến ít nhất 23 người bị chết, mất tích. Trong đó, có 2 người mất tích do bão số 1; 13 người chết do sét, lốc xoáy, mưa đá; 8 người chết do lũ, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, hơn 18.200 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 27.370ha lúa, hoa màu bị đổ dập; 5.077ha cây công nghiệp, cây hàng năm và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 12.700 con gia súc, gia cầm bị chết. Trên 22.300m3 đất đá, bê tông; 1.427m đê, kè; hơn 1.100m bờ sông, bờ suối bị sạt lở. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỷ đồng.
Điển hình là đợt mưa lớn cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua ở các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Mưa lũ đã làm 6 người chết, mất tích; hư hại 264 nhà; thiệt hại 283ha lúa, hoa màu…
Đợt mưa lũ này xảy ra trên địa bàn Quảng Ninh tuy không lớn nhưng cũng làm 1 người ở TP Móng Cái bị thiệt mạng do lũ cuốn trôi. Cùng với đó là thiệt hại khoảng 40 bè mảng, 72 bè thủy sản, 2 đầm nuôi thủy sản, trên 20ha lúa, rau màu, một số cây xanh đô thị...
Ở thành phố thủ phủ của tỉnh là Hạ Long, mưa lớn cũng gây ngập lụt cục bộ, đất đá tràn ra đường tại một số khu vực của các phường, như: Cao Thắng, Cao Xanh, Hồng Hải, Hà Trung, Hà Tu, Bãi Cháy... Điển hình như tại cổng Trường THCS Bãi Cháy, Bộ CHQS tỉnh, ngã 3 qua Công viên Sun World HaLong Park, Dự án đồi Ngân Hàng…, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.
Mùa mưa bão đã đến, công tác phòng, sẵn sàng ứng phó là vô cùng quan trọng, đặc biệt không được chủ quan trước thiên tai. Chính vì vậy, các ngành chức năng, địa phương, đơn vị phải chủ động lên kế hoạch, triển khai đồng bộ những giải pháp đảm bảo về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực theo phương châm: “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ”; “Sẵn sàng chủ động phòng tránh, sẵn sàng đối phó kịp thời, sẵn sàng khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, qua đó ứng phó nhanh, kịp thời, khẩn trương với mọi tình huống thiên tai, bão lũ có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với người dân.
Thái Bình
Ý kiến ()