
Ứng dụng công nghệ số trong quản trị ở TKV
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan tỏa sâu rộng, việc ứng dụng CNTT vào quản trị doanh nghiệp đã trở thành chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh. Với đặc thù là một tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực khai thác công nghiệp nặng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thúc đẩy việc áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp thông minh và đang từng bước hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số, xây dựng nền tảng hoạt động hiện đại, minh bạch, hiệu quả.
Viết nhật lệnh sản xuất là khâu đặc biệt quan trọng của một buổi giao ca của mỏ hầm lò. Khâu này sẽ được thực hiện trên cơ sở kết quả nhận bàn giao hiện trường của ca trước và kế hoạch sản xuất của ngày bắt đầu làm việc. Đây chính là căn cứ để quản đốc phân xưởng giao việc cho từng vị trí lao động và quán triệt một cách chặt chẽ những yêu cầu về công tác an toàn. Chính vì vậy, đây cũng là khâu mất nhiều thời gian nhất của buổi giao ca.
"Nếu theo quy trình cũ, công tác viết nhật lệnh bằng tay ở các phân xưởng của Than Uông Bí sẽ diễn ra trong thời gian từ 60 phút đến gần 2 tiếng đồng hồ. Nhưng từ năm 2021 đến nay, bằng phần mềm ca lệnh sản xuất, thao tác viết tay được xóa bỏ và thời gian dành cho công tác này được rút ngắn đi rất nhiều, chỉ còn 10 phút" - ông Đỗ Ánh, Phó Giám đốc Công ty cho biết.
Đặc biệt, trong quy trình giao ca, nhật lệnh sản xuất cũ, phó quản đốc phân xưởng phải điểm danh người lao động bằng cách gọi tên, sau đó mới giao việc cho công nhân và phổ biến biện pháp kỹ thuật an toàn. Với những phân xưởng đông người, đây cũng là khâu mất rất nhiều thời gian và không đảm bảo tính chính xác, minh bạch.

Ngoài ra, với ứng dụng tích hợp vân tay, công nhân khi đến nhà giao ca tự điểm danh bằng phần mềm nhận diện khuôn mặt và ký lệnh sản xuất bằng vân tay. Phần mềm này sẽ tự động kết nối vào ca lệnh của phó quản đốc, tạo thuận lợi cho các bước triển khai công việc tiếp theo. Không chỉ phục vụ giao ca nhật lệnh, hệ thống phần mềm và thiết bị công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhận diện dấu vân tay trong các mỏ hầm lò còn thể hiện tính năng kết nối đồng bộ dữ liệu thông tin của cán bộ, người lao động tại các bộ phận khác như khu vực nhà ăn, nhà đèn, cửa ra - vào lò.
Thông tin của cán bộ, người lao động chỉ cần nhập một lần sẽ được sử dụng nhiều lần tại nhiều bộ phận có kết nối dữ liệu với nhau. Các công đoạn rườm rà của hình thức cũ được xóa bỏ, như phiếu ăn, phiếu lấy - trả đèn lò, thẻ quẹt ra - vào cửa lò… Với những tiện ích kể trên, việc nhân rộng CNTT trong khâu giao ca, nhật lệnh sản xuất đang được các đơn vị triển khai mạnh mẽ.
Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin cũng vừa tập huấn quy trình sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt, đồng bộ với phần mềm viết ca lệnh điện tử. Hiện nay, việc triển khai áp dụng vẫn đang ở bước thí điểm tại một số đơn vị nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt so với quy trình giao ca truyền thống.
Ông Doãn Đức Hạnh, Phó Quản đốc Công trường Đào lò 2, Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin cho biết: Đơn vị được Công ty giao triển khai thí điểm hệ thống nhận diện khuôn mặt để chấm công và đồng bộ với phần mềm viết ca lệnh điện tử. Đến nay, việc áp dụng phần mềm này đang dần đi vào quy củ. Đầu ca, công nhân đến nhà giao ca để chấm công bằng nhận diện khuôn mặt hoặc dấu vân tay. Việc này giúp đơn vị quản lý nhân lực một cách chặt chẽ. Về phía người lao động cũng sẽ được tự kiểm tra thu nhập theo sản phẩm một ngày thông qua phần mềm này.

Ứng dụng CNTT đặc biệt có ý nghĩa với các đơn vị trong khâu kiểm soát an toàn lao động. Tại mỏ hầm lò Quang Hanh, đơn vị xếp hạng nhất về khí mê tan của TKV, việc kiểm soát nguy cơ mất an toàn từ khí mỏ được đơn vị đặc biệt coi trọng. Các hệ thống quan trắc được đầu tư từ sớm, mức độ hiện đại bậc nhất, có khả năng phát hiện kịp thời mọi nguy cơ rủi ro và gửi cảnh báo về Trung tâm điều hành sản xuất của mỏ. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Than Quang Hanh - TKV cho biết: Với các diện sản xuất hiện nay, đơn vị đang lắp đặt và sử dụng trên 300 đầu đo khí tại các vị trí trong hầm lò để đảm bảo cảnh báo kịp thời những nguy cơ rủi ro về khí mỏ.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cải tiến phương pháp điều hành, quản lý vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là giải pháp đa lợi ích cho doanh nghiệp. TKV và các đơn vị thành viên cũng không nằm ngoài xu thế này. Hiện nay, TKV chú trọng đầu tư hạ tầng CNTT đồng bộ, an toàn thông tin mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung toàn Tập đoàn. Tư duy quản trị truyền thống đang được thay thế bằng tư duy quản trị số, hướng tới doanh nghiệp thông minh, hoạt động theo mô hình kết nối và ra quyết định theo dữ liệu.
Hướng tới tương lai, TKV đặt mục tiêu xây dựng “TKV số” - một mô hình doanh nghiệp số toàn diện, nơi mọi hoạt động điều hành, sản xuất, dịch vụ đều được số hóa, kết nối và tối ưu hóa. Không dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất, TKV còn kỳ vọng chuyển đổi số sẽ là đòn bẩy để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao giá trị nội tại và góp phần giữ vững vai trò trụ cột trong an ninh năng lượng quốc gia.
Ý kiến ()