Từ chuyện hai thanh niên cứu cả đoàn tàu
"Ai ở vào hoàn cảnh ấy cũng làm như chúng tôi thôi" thì cũng có thể. Nhưng việc các anh làm thì lại rất đáng kể. Phản ứng tức thì, rất thông minh và quả cảm ấy, chính là sức bật dậy của ý thức công dân vốn tiềm ẩn trong những con người chất phác và bình dị đang còn vất vả, lam lũ trong cuộc mưu sinh. Từ hành động cao đẹp bộc lộ ý thức công dân của các anh, cần đặt ra vấn đề phát hiện, nuôi dưỡng và phát huy vẻ đẹp tiềm ẩn làm nên nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam. Phải chăng đó chính là cội nguồn của sức sống mãnh liệt của mảnh đất này mà người nước ngoài từng phát biểu: "Đây là một trong những vùng đất có sức sống mãnh liệt nhất mà tôi đã từng đến".
Từ ý thức công dân đó mà năm nao, những người nông dân Thanh Hóa đã "lột sắt đường tàu, rèn thêm đao kiếm, áo vải chân không, đi lùng giặc đánh" trong bài thơ Nhớ nổi tiếng của Hồng Nguyên, nói về những anh hùng của cuộc kháng chiến 9 năm. Lùi sâu hơn nữa, họ là điểm tựa vững chắc của cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên - Mông thế kỷ XIII, khi vua Trần Nhân Tông trên đường vượt biển rời Thiên Trường trong cuộc rút lui chiến lược vào Thanh Hóa, để trấn an lòng người, đã cho viết lên đuôi thuyền: "Cứu Kê cựu sự quân tu kí, Hoan Diễn do tồn thập vạn binh" (Chuyện cũ Cối Kê ngươi nên nhớ, Hoan Châu, Diễn Châu (tức là Nghệ An, Thanh Hóa bây giờ) vẫn còn 10 vạn quân).
Đời sống hôm nay của bà con nông dân Thanh Hóa nói riêng và nông thôn ta nói chung còn vất vả. Dễ chừng có người mới chỉ thấy tàu đi qua chứ chắc chưa có dịp ngồi lên tàu đi "du lịch" thăm đất nước mình. Nhưng chính họ chứ không phải ai khác, đã từng trĩu trên vai mình gánh nặng đất nước, và nay đang phải lầm lũi, nhẫn nại "đi từ ao làng ra biển lớn" trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước. Những người nông dân "toan lo nghèo khó, việc cuốc, việc cày, việc bừa việc cấy, tay vốn quen làm" từ Bắc chí Nam chiếm tỷ lệ rất lớn trong dân số và lực lượng lao động của cả nước, đang là một vấn đề lớn của chiến lược phát triển.
Ý thức công dân được bật dậy trong hành động của mỗi người góp phần hun đúc nên sức sống mãnh liệt của dân tộc, là sự biểu hiện sinh động của một truyền thống văn hóa. Chiều sâu và sự bền vững của sức mạnh văn hóa ấy được nuôi dưỡng ở những ngôi làng bình dị đang còn phải vật lộn với biết bao gian nan vất vả của một nông thôn đang chuyển mình bứt khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Làng quê của mỗi một con người Việt Nam chính là cái nôi của bản lĩnh và bản sắc văn hóa ấy. Phải thấy cho ra, trong sâu thẳm ý thức của con người Việt Nam nói chung và người nông dân Việt Nam, vẫn đang âm ỉ ngọn lửa văn hóa ấy. Mọi nét đẹp của con người Việt Nam, người nông dân Việt Nam, có nguồn cội từ truyền thống văn hóa, mà hành động của hai thanh niên nông dân cứu đoàn tàu là một biểu hiện tiêu biểu. Ra sức nuôi dưỡng, và phát huy sức mạnh văn hóa ấy trong sự nghiệp phát triển đất nước, trong hành trình chủ động hội nhập hôm nay, là một công việc khó khăn song lại có ý nghĩa cực kỳ lớn lao.
Vì vậy, cũng thật xót xa để nói rằng, chúng ta chưa làm tốt được việc đó. Thay vì bằng những giải pháp sáng tạo và có hiệu quả, thì vẫn còn nhiều công thức cũ kỹ, sáo mòn trong cách thức tuyên truyền giáo dục, trong hoạt động văn hóa. Cũng chính vì vậy, nét văn hóa đó bị phôi pha đi trong một bộ phận dân chúng. Điều dễ thấy là bên cạnh nét đẹp đang làm xúc động lòng người của hành động thông minh, quả cảm cứu tàu của hai nông dân, lại là tệ nạn ném đá lên tàu đang là nỗi đau âm ỉ trong nhiều năm nay.
Chúng ta vừa có bài học sâu sắc từ thành công của Hội nghị APEC Hà Nội 2006. Những ánh mắt thân thiện, hữu nghị của những con người trên đường phố để lại ấn tượng đẹp cho người nước ngoài về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Mà văn hóa là một quá trình tạo dựng, hun đúc nên từ trong mạch sống của dân tộc, theo quy luật thẩm thấu bằng chiều dài của thời gian, chứ không thể là một cuộc vận động cấp kỳ, khi cần thì mở một đợt tập huấn. Làm sao tập huấn được nụ cười hữu nghị và hòa hiếu của những người đang trên đường phố kia, như nhận xét của Tổng thống Mỹ. Cũng như làm sao tập huấn được ánh mắt sáng đầy vẻ lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống của những sinh viên và thanh niên để lại ấn tượng đậm nét mà vị Thủ tướng Nhật đã cảm nhận khi tiếp xúc.
Đúng, văn hóa, nhân chuyện hai thanh niên nông dân cứu đoàn tàu mà nêu lại vấn đề văn hóa và trau dồi bản lĩnh văn hóa cho con người, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Ý kiến ()