Trung tâm Hành chính công: Quyết tâm tạo đột phá
Cùng với Trung tâm Hành chính công của tỉnh, tính đến nay, đã có 4 Trung tâm Hành chính công ở các địa phương đi vào hoạt động là Uông Bí, Vân Đồn, Móng Cái, Cẩm Phả; còn Hạ Long đang tích cực chuẩn bị để chính thức vận hành trong năm 2014 này. Được biết, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, đến nay đã có trên 25.000 bộ hồ sơ của tổ chức, công dân được tiếp nhận và giải quyết tại các Trung tâm Hành chính công, trong đó, tỷ lệ trả kết quả đúng hẹn đạt trên 95%.
Việc thành lập các Trung tâm Hành chính công được xác định là một mô hình mới, với cách làm riêng của tỉnh, chưa có tiền lệ và quy định của Nhà nước cùng với triển khai xây dựng chính quyền điện tử nhằm thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược. Đây là đánh giá đã được khẳng định tại cuộc họp kiểm điểm sau một thời gian thành lập và hoạt động của các Trung tâm Hành chính công do UBND tỉnh tổ chức dịp đầu tháng 5. Với mục tiêu mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, các Trung tâm Hành chính công đã và đang dần tiến tới sự chuyên nghiệp cao hơn trong giải quyết thủ tục hành chính bằng phương thức đơn giản hoá, rút ngắn thời gian, quy trình.
Để triển khai đồng bộ, toàn diện Trung tâm Hành chính công trên địa bàn tỉnh đi đôi với nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có những chỉ đạo rất sát sao, cụ thể với các sở, ban, ngành và các địa phương. Theo đó, yêu cầu quán triệt quan điểm chung là: Triển khai các Trung tâm Hành chính công phải gắn với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả. Toàn bộ các thủ tục hành chính đưa vào Trung tâm Hành chính công thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương. Đến năm 2015 đưa 100% thủ tục hành chính vào giải quyết tại các Trung tâm theo nguyên tắc thẩm định và phê duyệt tại chỗ. Năm 2015, các địa phương trong toàn tỉnh đều có Trung tâm Hành chính công và tiến tới hình thành các Trung tâm dịch vụ Hành chính công với mô hình hiện tại.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm đối với mô hình này chính là tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ đã được xác định rõ. Biên chế làm việc tại Trung tâm Hành chính công hiện nay giữ nguyên, ổn định, không tăng biên chế và thực hiện theo nguyên tắc: Các Trung tâm Hành chính công quản lý, sử dụng biên chế do UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm; các sở, ngành, địa phương chủ động điều tiết trong nội bộ, sử dụng biên chế đã được tỉnh giao để bố trí, cử cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc tại Trung tâm Hành chính công. Về chế độ, chính sách, UBND tỉnh đồng ý chủ trương Giám đốc các Trung tâm Hành chính công cấp huyện được hưởng phụ cấp lãnh đạo như Trưởng Phòng và toàn cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các Trung tâm được hưởng chính sách hỗ trợ trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Hành chính công tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh cũng định hướng, đề xuất mức hỗ trợ theo từng vị trí việc làm, loại hình công việc để đảm bảo yêu cầu chung, tránh cào bằng. Sau khi có báo cáo thẩm định của Sở Tài chính, UBND tỉnh xem xét, quyết định áp dụng chung cho toàn tỉnh theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Với những kết quả ban đầu cùng sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương ở mô hình Trung tâm Hành chính công sẽ là tiền đề tốt để tỉnh hoàn thành mục tiêu của chương trình cải cách hành chính.
Ngọc Lê
Ý kiến ()