Ngày 20/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đã công bố khởi công xây dựng đập thủy điện mà nước này cho là có quy mô lớn nhất thế giới, nằm ở vành đai phía Đông cao nguyên Tây Tạng, với tổng chi phí ước tính 170 tỷ USD. Đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon.
Dự án bao gồm 5 nhà máy thủy điện bậc thang, đập sẽ được xây ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo (còn được phiên âm là Yarlung Tsangpo hay Nhã Lỗ Tạng Bố), là con sông dài nhất trong khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc). Khi chảy qua bang Arunachal Pradesh và Assam của Ấn Độ sau đó vào Bangladesh, sông này được gọi là Brahmaputra.
Dự kiến, đập sẽ đi vào hoạt động trong những năm 2030, với công suất ước tính 300 tỷ kWh điện mỗi năm, có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ở Tây Tạng và phần còn lại của Trung Quốc. Tân Hoa xã ngày 19/7 dẫn lời Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh rằng đây là “dự án của thế kỷ”, đồng thời kêu gọi đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn sinh thái để ngăn ngừa tổn hại môi trường.
Đây được cho là dự án thủy điện tham vọng nhất của Trung Quốc. Khi mới được công bố hồi tháng 12/2024, dự án xây đập nói trên được coi là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon của Trung Quốc, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp liên quan và tạo công ăn việc làm cho khu vực Tây Tạng.
Mặc dù Trung Quốc cho rằng các dự án thủy điện ở Tây Tạng sẽ không có tác động lớn đến môi trường hoặc nguồn cung cấp nước ở hạ lưu, nhưng các nước Ấn Độ và Bangladesh vẫn bày tỏ lo ngại về những tác động có thể xảy ra đối với cộng đồng dân cư ở hạ lưu.
Ý kiến ()