Trồng cây gây rừng gỗ lớn
Năm nào cũng vậy, cứ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán là các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lại nô nức tổ chức Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Hoạt động này đã trở thành nét văn hoá truyền thống của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nhân dân, lực lượng vũ trang Vùng mỏ. Mùa xuân năm nay, Tết trồng cây ở Quảng Ninh đặc biệt hơn khi tỉnh gắn trồng cây dịp tết với mục tiêu trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn.
Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước. Thời gian qua, cùng với ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn với các loài cây có giá trị kinh tế cao.
Để phát triển lâm nghiệp bền vững, ngày 28/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay sau 2 năm triển khai, thực hiện, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực và tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân. Đặc biệt, năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh được cho là chính sách có tác động mạnh đến nhân dân ngay khi ban hành. Từ Nghị quyết này, người trồng rừng Ba Chẽ, Hạ Long nói riêng, toàn tỉnh nói chung nhân lên khí thế trồng rừng gỗ lớn, nhiều người biến rừng thành của để dành giá trị cao, thay vì trồng rừng gỗ nhỏ như trước đây.
Hiện Quảng Ninh đang tập trung chuyển đổi cơ cấu giống lâm nghiệp theo hướng từng bước chuyển sang trồng cây gỗ lớn, trồng những loài cây bản địa có giá trị như lim, giổi, lát để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa tăng độ che phủ rừng. Đồng thời tập trung làm giàu rừng đối với những rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, những khu rừng bảo vệ nguồn nước sinh thủy đầu nguồn.
Như năm nay, thực hiện kế hoạch tổ chức Tết trồng cây xuân Nhâm Dần 2022 với chủ đề hưởng ứng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và 5.000ha rừng cây gỗ lớn, giá trị kinh tế cao như lim, lát, giổi phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng từng địa phương, Quảng Ninh phấn đấu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng, đồng thời đẩy mạnh trồng cây hoàn nguyên, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. Trong dịp Tết trồng cây xuân Nhâm Dần 2022, toàn tỉnh phấn đấu trồng trên 650.000 cây, tập trung vào những cây bản địa như lim, giổi, lát… để phát triển rừng gỗ lớn, có trọng tâm, trọng điểm. Đây là một định hướng lớn, chủ trương có ý nghĩa đặc biệt nhằm phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững, cũng như thay đổi cuộc sống của người trồng rừng trên địa bàn. Như nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khi tham gia Tết trồng cây xuân Nhâm Dần tại huyện Ba Chẽ: “Tỉnh có chủ trương trồng lim, giổi, lát là những cây bản địa có giá trị kinh tế cao, có giá trị lớn đối với bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là giữ nguồn sinh thủy cho các con sông suối, hồ nước. Tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân không trồng keo chuyển sang trồng lim, lát, giổi và dưới tán rừng trồng ba kích, trồng cây dược liệu quý để người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Trồng rừng gỗ lớn cũng là của để dành có giá trị cao cho con cháu chúng ta mai sau”.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về Tết trồng cây gắn với trồng rừng gỗ lớn, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã sôi nổi triển khai kế hoạch trồng cây đầu xuân, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Có thể thấy, nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn là địa phương đi đầu trong ban hành các cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững. Minh chứng là tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đã nâng từ 38% năm 2000 lên 55,06% năm 2021, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành trong cả nước. Việc Quảng Ninh đang đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, giá trị kinh tế cao chắc chắn là hướng đi đúng, trúng và được nhân dân ủng hộ cao.
Ý kiến ()