Trợ lực cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh những năm qua. Một trong những cách làm hiệu quả là thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) để trao nguồn vốn ưu đãi kịp thời đến tận tay hội viên có nhu cầu. Đối với phụ nữ tại vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa của tỉnh, đây là sự cổ vũ, động viên quan trọng để chị em thêm tự tin, chủ động xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thông qua tổ TK&VV của Hội LHPN xã Yên Than (huyện Tiên Yên), chị Chíu Thị Hoa ở chi hội thôn Đồng Và vừa được duyệt vay số tiền 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm. Bằng số tiền này, chị Hoa đã mở rộng quy mô vườn ươm, cung cấp cây giống các loại (quế, tùng, giổi...) cho các hộ trồng rừng gỗ lớn cả trong và ngoài huyện.
Chị Hoa cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên vay vốn ưu đãi, mà các lần đầu tư quan trọng trước đây như khi bắt đầu mở vườn ươm, hoặc lúc khoan giếng nước sản xuất... đều được hỗ trợ. Lần nào chị cũng được tổ TK&VV hỗ trợ sát sao từ việc tư vấn giải thích chính sách, hoàn thiện hồ sơ... Nhờ đó, cả gia đình có nguồn vốn ổn định để yên tâm phát triển sản xuất, vừa nâng cao ý thức lao động sáng tạo để có nguồn thu nhập trả tiền vay đúng hạn, tạo điều kiện cho các chị em khác cùng được hưởng lợi của chương trình.
Ở các địa phương khác trong tỉnh, mạng lưới tổ TK&VV được thành lập và hoạt động rộng khắp các thôn, bản, khu phố, nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh, Hội LHPN và các đoàn thể, chính quyền địa phương.
Với gần 2.200 tổ TK&VV, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến tận tay người thụ hưởng sử dụng nhanh chóng, công khai, hiệu quả; duy trì hiệu quả phương thức giải ngân, thu nợ, thu lãi trực tiếp của từng hộ vay vốn tại điểm giao dịch xã. Các thành viên của tổ TK&VV đã thường xuyên nắm bắt nhu cầu của các hộ vay, làm chặt chẽ ngay từ các bước bình xét công khai, giám sát việc sử dụng vốn, phối hợp với ngân hàng hoàn thiện hồ sơ, giải ngân, cho vay theo nhu cầu thực tế của từng hộ... Đặc biệt là kịp thời nắm bắt khó khăn phát sinh tại cơ sở, báo cáo với Hội LHPN cấp xã, huyện để có phương án tháo gỡ vướng mắc cho chị em hội viên.
Bà Lan Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Chẽ, cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh và Hội LHPN luôn chú trọng rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ KT&VV, đảm bảo chất lượng hoạt động. Cả cấp tỉnh và cấp huyện đều xây dựng chương trình tập huấn thường kỳ hằng năm và đột xuất khi các chương trình, nhiệm vụ ủy thác có sự thay đổi để các tổ TK&VV đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao. Nội dung tập huấn tập trung vào chức năng, nhiệm vụ của trưởng thôn trong hoạt động tín dụng chính sách, các chương trình tín dụng, nghiệp vụ tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV; hướng dẫn cách lập hồ sơ vay vốn và cách ghi chép biên lai thu lãi thu, tiền gửi của tổ viên... Qua rà soát những năm gần đây cho thấy, các mô hình phát triển kinh tế do chị em hội viên làm chủ ngày càng tăng cả về số lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động. Hội LHPN huyện luôn lồng ghép định hướng của huyện về trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu, cây ăn quả và chăn nuôi gà bản địa... để việc sản xuất đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh việc đảm bảo cho vay đúng đối tượng, cam kết sử dụng đúng mục đích đăng ký vay vốn, đồng thời phải gắn liền với khuyến khích hội viên phát triển liên kết sản xuất, kinh tế tập thể, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Khi không còn những mô hình mạnh mún, nhỏ lẻ, Hội LHPN các cấp cũng thuận tiện hơn trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên về giống, vốn, tư vấn kỹ thuật, chuyển đổi số toàn diện...
Mục đích, ý nghĩa thiết thực của nguồn quỹ này cũng ngày càng được lan tỏa, như là tạo ý thức tiết kiệm, cổ vũ sự tự tin, chủ động, dám nghĩ, dám làm, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các hộ gia đình có nhu cầu sản xuất mà khó khăn về vốn, nay có một địa chỉ uy tín để được hỗ trợ, qua đó hạn chế tình trạng vay tín dụng đen. Các cấp hội cũng có thêm kênh để tập hợp hội viên, xây dựng hội vững mạnh và góp phần vào nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.
Ý kiến ()