Tranh thờ của người Tày
Trong văn hoá của người Tày, tục thờ tranh dân gian được bảo tồn từ đời này qua đời khác, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt. Tranh thờ chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm tin của con người vào thế giới tự nhiên, răn dạy làm điều thiện, loại trừ việc ác.
Trên ban thờ trong nghi lễ người Tày thường treo tranh tố nữ, Quan âm, Phật, các bát hương của bà Then. Cách bài trí ban thờ cho thấy Then vẫn giữ được vẻ nguyên sơ từ khi còn trong dân gian. Tuy nhiên, trải qua quá trình tồn tại cùng với sự thay đổi của xã hội, Then Tày đã chịu ảnh hưởng bởi các dòng tôn giáo du nhập vào Việt Nam từ hàng ngàn năm, trở thành sự hỗn dung đầy sáng tạo giữa tín ngưỡng bản địa và sự kết hợp với Tam giáo. Then là sự tổng hòa của các yếu tố thần linh Nho - Phật - Đạo và tín ngưỡng dân gian tạo nên hệ thống Then khá đặc sắc.
Trong cuốn sách "Then Tày", PGS.TS. Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu văn hóa, có đề cập đến yếu tố Phật giáo, đó là trong buổi lễ, chủ Then treo 5 bức tranh thờ của Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát; yếu tố Đạo giáo (bản sắc, ấn triện, dao, kéo, rìu đá, chuông lắc, chuông gõ) trong thực hành nghi lễ điều khiển âm binh. Trên tờ sắc lệnh có ghi: “… Ngọc Hoàng thượng đế cấp hạ đệ tử…” viết bằng chữ Nôm Tày trên giấy dó.
Tranh vẽ hai con rồng ở hai bên diềm bản sắc và lòng sắc đóng 15 ấn triện bằng son đỏ, thể hiện cấp bậc của Then. Ấn triện bằng gỗ, hình vuông, khắc chữ Hán “Ngọc hoàng thượng đế” ở mặt chính và trên núm tay cầm ấn khắc chữ “thượng” và thành ấn bên trái khắc chữ “binh” và phía bên phải khắc chữ “tùy hành”. Điều này chịu ảnh hưởng của Đạo giáo.
Người Tày hình dung ra vũ trụ không chỉ là thế giới xung quanh, mà bao gồm toàn bộ thiên nhiên, con người và sự vật trên 3 cõi, tương ứng với 3 tầng: Trời, trần gian và âm phủ. Quan niệm này được thể hiện khá rõ nét trong các truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích và qua nội dung của các bộ tranh thờ. Đặc biệt là bộ tranh thờ “Thập Điện Diêm Vương” với hình ảnh thần linh oai nghiêm thậm chí dữ dằn, để răn đe và giáo hóa con người biết khuất phục hướng thiện.
Trên các bức tranh thờ, hệ thống các thần linh trong Then chủ yếu là các nhiên thần, thiên thần và một số trường hợp là nhân thần. Nhiên thần trong tín ngưỡng Then vốn là các thần linh bản địa có tính chất địa phương (thổ thần, thần rừng, thần núi, thần sông suối hay cây cối hoặc các loài động vật gắn chặt với đời sống của con người).
Thiên thần chủ yếu là các thần linh có nguồn gốc từ Đạo giáo, như: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, các vị thiên tiên, thiên tướng, thiên binh, Bà Cửu trùng thiên, Diêm Vương, Đô Thiên Đại Thánh… Nhân thần là những thần linh có nguồn gốc con người, trong trường hợp ở tín ngưỡng Then có nhân vật Bế Văn Phùng (nhân vật có thực ở triều Mạc).
Có một sự đặc biệt trong tranh thờ của người Tày tại Bình Liêu là những bức tranh tố nữ thể hiện hình 4 thiếu nữ Việt Nam vấn tóc đuôi gà, mặc áo ngũ thân và đều đang đứng với 4 cử chỉ khác nhau: Cô thổi sáo, cô cầm sênh tiền, cô cầm quạt và cô gảy đàn nguyệt. Các bà Then ở Bình Liêu cho rằng đó là hình tượng của những cô tiên. Rõ ràng điều này cũng chịu ảnh hưởng từ Đạo giáo.
PGS.TS. Phạm Văn Lợi, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá: Trên tường nhà, phía sau và bên phải bàn thờ Then (theo hướng bà Then ngồi đối diện với bàn thờ khi làm lễ), trong lễ lẩu Then ở Bình Liêu còn có một số bức vẽ hoặc tranh. Tất cả có 12 bức, chia làm 3 nhóm, không bao gồm những hình trang trí treo trước bàn thờ tổ tiên ở cạnh đó. Nhóm phía ngoài, giáp mép cửa lên phần sàn cao của ngôi nhà, nơi tích trữ rượu và đặt một số bàn thờ của gia chủ, gần với cửa ra vào của ngôi nhà, chính giữa, phía sau bàn thờ Then và nhóm thứ hai, nằm lệch vào trong, từ mép tường phía trong hất ra, mỗi nhóm 4 bức, mỗi bức có hình một người phụ nữ hay thiếu nữ, kiểu tranh tứ bình của người Kinh. Bốn người thiếu nữ trong nhóm đầu, mỗi người đang cầm/ đang chơi một loại nhạc cụ (nguyệt, nhị, sáo, tỳ bà); 4 phụ nữ/thiếu nữ ở nhóm 2, người ngoài cùng thổi sáo, người trong cùng chơi đàn, 2 người ở giữa, người bên trái cầm một thứ gì đó bên tay phải, có thể là một dụng cụ tạo âm thanh; người bên phải tay phải cầm quạt, tay trái thực hiện một động tác múa.
Nhóm thứ 3, được treo ở bức tường phía trong, giáp với nhóm thứ hai. Nhóm tranh này màu sắc sặc sỡ hơn, cả 4 bức đều thể hiện hình ảnh Phật bà Quan Âm đứng trên đài sen hoặc ao/hồ sen, phía trên tỏa hào quang. Điều này cho thấy lễ lẩu Then của người Bình Liêu nói riêng và nghi lễ Then Bình Liêu nói chung đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của đạo Phật (Phật giáo). Các bức tranh trong nhóm 1 và 2 có khá nhiều chữ Hán hoặc chữ Nôm, Nôm Việt hoặc Nôm Tày; các bức tranh trong nhóm 3 không có chữ, cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Việt phổ thông.
Từ những phân tích của mình, ông Lợi đề xuất cần có những nghiên cứu cụ thể về các hình ảnh và tranh trang trí này để có thể phát triển hình thức trang trí này thành một sản phẩm hàng hóa bán phục vụ người dân trang trí nhà cửa và làm quà cho khách du lịch.
Ý kiến ()