
Tồn dư vốn đầu tư công
Những năm gần đây, việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước diễn ra chậm. Đặc biệt là từ đầu năm 2019 đến nay, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước ở mức thấp. Tỷ lệ giải ngân thấp đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.
Theo công điện thì tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2019 đến nay rất thấp, chỉ đạt 32,27% kế hoạch được Quốc hội thông qua, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 10,96%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Hiện mới có 5 bộ, ngành, 8 địa phương có số giải ngân đạt trên 60%. Trong khi đó có 35 bộ, ngành, 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%. Đặc biệt, có 18 bộ, ngành, 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Theo đó, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, như: Giao vốn chậm (cả trung ương, địa phương); dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; thanh, quyết toán còn chậm; công tác phối hợp, chỉ đạo điều hành ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; tập trung rà soát, làm rõ nguyên nhân; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm phân bổ số vốn còn lại. Trong đó, đặc biệt chú trọng theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo quy định pháp luật; kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công...
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức rà soát tổng thể các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tình hình triển khai công tác giải ngân các dự án từ đầu năm 2019 đến nay. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thì đến ngày 15/8/2019, giải ngân kế hoạch năm 2019 của tỉnh mới đạt 35,6%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu là việc đề xuất chủ trương đầu tư chưa sát với nhu cầu thực tế và yêu cầu đầu tư dẫn đến không đảm bảo mục tiêu khi thẩm định nên phải làm lại; công tác khảo sát ban đầu để đề xuất chủ trương chưa phản ánh đúng hiện trạng dẫn đến chủ trương đầu tư thiếu thông tin, nội dung; việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án, thiết kế thiếu kinh nghiệm, năng lực yếu, chất lượng hồ sơ kém làm kéo dài thời gian thực hiện cũng như phải chỉnh sửa nhiều lần và điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện; một số chủ đầu tư chưa nắm rõ quy trình, trình tự thực hiện dự án; việc thi công, lắp đặt thiếu bị của một số công trình bị chậm trễ do năng lực nhà thầu còn yếu, thiếu kinh nghiệm...
Và để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng đã có chỉ đạo quyết liệt: Nếu sau ngày 30/9/2019, các chủ đầu tư dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 30%, UBND tỉnh sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu. Đặc biệt, trường hợp cần thiết sẽ chuyển công tác của cán bộ, lãnh đạo phụ trách; không xem xét đánh giá thi đua khen thưởng năm 2019 đối với cán bộ, lãnh đạo thực hiện không nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời sẽ chuyển toàn bộ nguồn vốn của các dự án không giải ngân sang dự án, công trình khác có nhu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng phê bình các đơn vị đến nay có tỷ lệ giải ngân đạt 0% so với nguồn vốn được giao và yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư trực tiếp chỉ đạo làm rõ nguyên nhân việc chưa giải ngân, có biện pháp, kế hoạch cụ thể để khắc phục ngay theo hướng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân phụ trách dự án, công trình để triển khai thực hiện.
Hi vọng rằng, với sự lãnh đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cùng những chỉ đạo sát sao, hình thức xử lý nghiêm khắc, tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công sẽ có chuyển biến tích cực trong những tháng còn lại của năm 2019 và những năm tiếp theo. Qua đó, đảm bảo các dự án, công trình thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ đề ra, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, mỗi địa phương nói riêng.
Thái Bình
Ý kiến ()