
Tổ phòng không của chúng tôi ngày ấy…
Chừng năm 2011, tôi có chuyến cùng anh Tăng Xuân Thuần, khi ấy là Phó Chủ tịch HĐND huyện Hoành Bồ xuống xã Thống Nhất làm việc. Khi đi đến cầu Đá Trắng, anh Thuần hỏi tôi: “Ở đây vẫn còn dấu tích hố bom à?”. “Vẫn còn, đó là những quả bom giặc Mỹ ném xuống đây năm 1967”. “Khiếp thật, đã hơn 40 năm, tội ác giặc Mỹ vẫn còn đó”. Câu hỏi của anh Thuần đã gợi lại trong tôi biết bao kỷ niệm thời đánh Mỹ. Hình ảnh Tổ phòng không 12,7mm của xã Lê Lợi năm nào cứ dần dần trước mắt tôi.
Mùa hè 1967, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi hăng hái viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng dân quân của xã. Thời kỳ này, đế quốc Mỹ tăng cường ném bom dữ dội miền Bắc, nhằm hạn chế sự chi viện của ta vào miền Nam.
Tổ phòng không 12,7mm chúng tôi đã tham gia nhiều trận bắn máy bay địch, đặc biệt trận chiến bắt sống giặc lái Mỹ tại thôn Đèo Mực, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ tháng 7/1967. Cuối tháng 10 năm ấy, Tổ phòng không chúng tôi lại được điều về bảo vệ 2 cầu Đá Trắng, xã Thống Nhất.

Đơn vị phòng không chúng tôi đóng trên một quả đồi cao. Từ vị trí này chúng tôi có thể quan sát được 4 hướng và nhìn rất xa, thấy máy bay địch bay từ phía Hòn Gai vào qua Hoành Bồ, bay lên các tỉnh phía Bắc ném bom. Khi chúng quay về, còn bao nhiêu bom chúng trút hết xuống thị xã Hòn Gai rồi bay ra biển. Con đường huyết mạch của tỉnh đi qua thị xã Cẩm Phả, thị xã Hòn Gai, thị xã Uông Bí hầu như không ngày nào không bị ném bom. Cho nên tỉnh quyết định việc vận chuyển hàng hoá qua đường 18B, tức là qua Hoành Bồ, qua hai cầu Đá Trắng là chủ yếu.
Tổ phòng không của chúng tôi có 7 người, do đồng chí Hoàng Văn Hoạt, Phó Chủ tịch xã làm Đội trưởng. Hai người tôi thân nhất là Nguyễn Văn Da và Dương Văn Bích. Trong 30 ngày bảo vệ cầu, chúng tôi đã bắn trả máy bay địch 8 trận.
Mỗi lần máy bay địch bay vào ném bom thị xã Hòn Gai, mặt đất rùng rùng chuyển động, tiếng còi báo động rú vang. Khi chúng bay xa, những cột khói bom đen cả một phần bầu trời. Có những trận máy bay địch ném bom ban đêm, nhìn lên bầu trời thị xã, những chùm pháo sáng của địch, những đường đạn súng phòng không của ta đan chéo bầu trời, các cụm phòng không của lực lượng dân quân tự vệ các xã, các xí nghiệp… mới thấy sức mạnh tổng hợp của quân dân ta thật vĩ đại. Còi báo yên. Cuộc sống lại bình thường, như chẳng có điều gì xảy xa.
Chúng tôi chủ yếu bắn máy bay khi chúng bổ nhào xuống ném bom cầu Đá Trắng. Chỉ huy các trận đánh là Đội phó Ngô Quang Nghiêm.

Tôi nhớ một buổi chiều hôm ấy trời mưa rất to, tiếng sấm, tiếng máy bay lẫn lộn, cho nên khi máy bay địch bay vào chúng tôi không biết. Khoảng 5h chiều, có 12 chiếc A37 từ phía tỉnh Hà Bắc bất ngờ bay xuống bắn phá thị xã Hòn Gai. Đột nhiên có 2 chiếc đổi hướng bay, quay lại ném bom cầu Đá Trắng. Hai quả bom nổ ngay dưới chân đồi, hất đất đá lấp gần kín hầm hào của chúng tôi.
Từ lúc nhận nhiệm vụ phòng không bảo vệ cầu Đá Trắng, không đêm nào chúng tôi ngủ chín giấc, phải thay nhau gác suốt đêm. Phần vì đề phòng địch ném bom ban đêm, phần vì đề phòng có kẻ đặt mìn phá hoại cầu.
Đêm ấy khoảng 10h, tôi bàn với Bích, hay chúng ta cho thêm 4 viên đạn nữa cùng với viên đạn bị hóc buổi chiều bắn thông nòng để xem súng có vấn đề gì không. Mọi người nghe có lý. Chờ đến 12h đêm, Bích nạp thêm 4 viên đạn vạch đường nhằm hướng bầu trời cao Hòn Gai bóp cò. Cả 5 viên đạn như 5 đốm nửa bay vút lên bầu trời đen kịt. Bất chợt cả đội chúng tôi thấy lo lo. Tôi thấy rờn rợn phía gáy, sợ có chuyện chẳng lành.
Sau một phút, toàn bộ thị xã Hòn Gai báo động. Chúng tôi vào vị trí chiến đấu. Tất cả đều im lặng. 15 phút sau, Hòn Gai báo yên. Chuyện chúng tôi bắn thông nòng súng tưởng không có gì, nhưng sáng hôm sau, khoảng 9 giờ, toàn đội phải viết tờ trình và bản kiểm điểm cá nhân trước Ban Chỉ huy Huyện đội Hoành Bồ và Tỉnh đội Quảng Ninh. Sau đó, Trung úy Nguyễn Văn Tấn, cán bộ Tỉnh đội Quảng Ninh và Huyện đội Hoành Bồ đã vào Tổ phòng không chúng tôi kiểm điểm nhiều ngày. Họ phân tích những sai lầm, khuyết điểm không giữ nghiêm kỷ luật quân sự, vi phạm những điều cấm trong thời chiến. Thật buồn thay, đồng chí Hoàng Văn Hoạt - Đội trưởng và đồng chí Dương Văn Bích phải trở về không được tham gia Tổ phòng không nữa. Nhìn Bích đeo ba lô đi mãi xuống chân đồi, lòng tôi đau thắt lại. Đã gần 60 năm trôi qua, khi viết bài này, nhớ lại kỷ niệm, tôi không quên cái cảm giác vừa buồn, vừa thương Bích khi ấy.
Sau này Bích được đi bộ đội, khi vào đến Trường Sơn, Bích viết thư cho tôi: “Tuổi trẻ chúng mình ngốc lắm phải không, nhưng thôi giờ mình tha cho cậu tất cả. Chính cậu bày ra cái trò bắn súng thông nòng đêm ấy nhưng khi kiểm điểm cậu lại không dám nhận. Giờ mình đã là anh bộ đội, vẫn là xạ thủ số 1 của khẩu đội 37mm. Mình đã cùng đơn vị bảo vệ cầu Hàm Rồng bắn rơi 2 máy bay F4 của Mỹ đấy!”.
Đọc thư Bích, tôi vừa vui, vừa buồn. Nhà Bích nghèo, cha mẹ mất sớm, hai anh em phải tự nuôi nhau và kiếm tiền đi học. Bích học giỏi và vui tính. Bích ước mơ lớn lên sẽ được làm bộ đội, trực tiếp vào Nam chiến đấu. Bích đã viết đơn và toại nguyện. Còn tôi, tôi đi học sư phạm, cái nghề mà tôi mong muốn từ khi học cấp 2. Tôi và Bích thường xuyên viết thư cho nhau. Tôi kể cho Bích bao chuyện vất vả của những năm tháng học Trường Trung học sư phạm ở xã Tràng Lương (Đông Triều). Còn Bích kể lại bao chuyện ở chiến trường, giữa cái sống và cái chết chỉ là gang tấc, rồi những cơn sốt rét triền miên dưới rừng xăng lẻ, những trận đánh ở Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu... Sau này Bích được điều về một đơn vị pháo phòng không. Đơn vị của Bích đóng trên một quả đồi cao bảo vệ tuyến đường huyết mạch cho quân ta vào Nam chiến đấu.
Rồi thời gian trôi đi, mùa đông năm 1971, tôi nhận được tin sét đánh: Bích hy sinh khi đang trên mâm pháo bắn máy bay thù. Lòng tôi đau thắt lại. Sau này tôi còn biết, hài cốt của Bích được quy tập vào Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Cũng năm ấy, tôi còn nhận tin Nguyễn Văn Da hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Da nổi tiếng đẹp trai, ít nói, tính hiền, hay làm thơ tình. Khi chết, đồng đội còn mang về cho gia đình hơn trăm bài thơ của Da viết và quyển nhật ký chiến trường. Hôm đến truy điệu tại nhà bố mẹ Da, tôi thấy có cả người yêu, mối tình đầu của Da.
Mùa hè 1972, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoành Bồ tổ chức khai mạc lớp bồi dưỡng hè cho toàn thể giáo viên trong huyện. Thật ngạc nhiên và cảm động, khi ban tổ chức giới thiệu đồng chí Ngô Quang Nghiêm, học sinh cũ của Trường cấp 2 Lê Lợi và là Tổ phó Tổ phòng không 12,7mm của chúng tôi lên kể chuyện Nghiêm bắn rơi 4 máy bay trong một ngày ở chiến trường Nam Lào và trở thành dũng sĩ diệt Mỹ. Sau này, Nghiêm được phong quân hàm đại tá, là chỉ huy giỏi khi bảo vệ cứ điểm Cao Ba Lanh ở Bình Liêu trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Thời gian trôi đi, đầu mùa hè 2003, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh tổ chức đoàn văn nghệ sĩ đi dự lớp sáng tác tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), do nhà thơ Nguyễn Châu làm Trưởng đoàn. Lúc về, đoàn vào thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Nhìn hơn 10 vạn ngôi mộ các chiến sĩ đã hy sinh được quy tụ tại đây, ai nấy đều nghẹn ngào đến trào nước mắt. Đoàn mua hương hoa đến viếng khu mộ liệt sĩ tỉnh Quảng Ninh. Trong 29 liệt sĩ tỉnh Quảng Ninh được quy tập tại đây có Dương Văn Bích, quê tại thôn A, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Tôi xuống đơn vị quản trang xin 10 bông hoa đại thắp hương cho Bích. Nhà thơ Nguyễn Quang Vinh vỗ vào vai tôi: Chiến tranh là thế, biết làm thế nào được. Chỉ cần các thế hệ mai sau mãi mãi nhớ đến các chiến sĩ đã vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì đất nước mà hy sinh cả cuộc đời mình.
Ý kiến ()