Tinh giản bộ máy, biên chế: 2 ngành "nóng" quyết "hạ nhiệt"
Cùng với việc tích cực thực hiện các nhiệm vụ thường kỳ để đảm bảo hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2014, những ngày này, các ngành, địa phương đang rất rốt ráo trong xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế”. Đơn cử như ngày 20-5, các ngành Giáo dục - Đào tạo, Y tế và Ban Dân tộc tỉnh đã báo cáo Đề án với UBND tỉnh. Đáng chú ý, cả 3 đơn vị này đều tập trung tìm ra những giải pháp cơ bản, cốt lõi để thể hiện rõ phương án tinh giản bộ máy, biên chế sao cho hiệu quả.
Với Giáo dục - Đào tạo, một ngành đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng biên chế toàn tỉnh với số chi ngân sách hàng năm không nhỏ đã có những đề xuất mạnh. Cụ thể, Sở Giáo dục - Đào tạo nêu phương án sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại các cơ quan trực thuộc như sau: Sáp nhập Phòng Giáo dục Thường xuyên và Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp để tái thành lập Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp và Giáo dục Thường xuyên; chuyển BQL dự án các công trình giáo dục trực thuộc Sở vào BQL dự án thuộc UBND tỉnh. Đối với các đơn vị công lập trực thuộc Sở: Thực hiện duy trì 1 Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề ở cấp tỉnh trực thuộc Sở GD-ĐT; đồng thời, hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại các Trung tâm Hướng nghiệp và GDTX cấp huyện (trực thuộc Sở GD-ĐT) với Trung tâm Dạy nghề (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) để chuyển sang mô hình mới, giao cho UBND cấp huyện quản lý… Theo tính toán của Sở Giáo dục - Đào tạo, nếu thực hiện Đề án này, tính từ năm 2015, sẽ giúp ngành giảm 348 biên chế, tương ứng với giảm chi thường xuyên bằng ngân sách nhà nước là 41 tỷ đồng.
Đứng thứ hai sau ngành Giáo dục - Đào tạo về số lượng biên chế lớn, ngành Y tế cũng đã đưa ra giải pháp cụ thể. Theo đó 186 trạm y tế vẫn duy trì nhưng điều chỉnh cắt giảm, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ để phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương. Còn với tuyến huyện, sáp nhập trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa trên cùng địa bàn thành một đơn vị thực hiện chức năng điều trị và dự phòng. Ở tuyến tỉnh: Giải thể một số đơn vị, sáp nhập các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị giải thể vào các khoa của một số bệnh viện tuyến tỉnh; thành lập trung tâm pháp y; thu gọn các đầu mối đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh; sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ với Phòng y tế trực thuộc UBND cấp huyện... Dự kiến khi thực hiện đề án, ngành Y tế sẽ giảm 9 đầu mối trực thuộc Sở; tuyến xã giảm 3 phòng khám đa khoa khu vực; 58,6% trung tâm y tế được điều chỉnh giảm về chức năng, nhiệm vụ một cách phù hợp. Theo đó, ngành dự kiến tinh giản gần 700 biên chế; tiết kiệm được một phần kinh phí phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị y tế. Hay như đối với Ban Dân tộc tỉnh, theo báo cáo, để đáp ứng các yêu cầu thì cần 25 biên chế; song, trong Đề án đã đề xuất giải pháp sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của một số bộ phận, bố trí công việc cho cán bộ công chức theo hướng có kiêm nhiệm.
Những đề xuất, giải pháp nói trên dù đang là báo cáo trong Đề án nhưng đã khẳng định tinh thần nghiêm túc của các sở, ngành. Đó là hiện thực hoá quyết tâm chính trị của tỉnh bằng việc làm cụ thể, thiết thực, được triển khai bài bản, đúng quy định, quy trình. Mặc dù vẫn còn những yếu tố phải tiếp tục làm rõ hơn để việc tinh giản bộ máy vẫn đảm bảo mạnh, hiệu quả song rất cần nhân lên cách làm bám sát thực tiễn, khẩn trương, quyết liệt như các ngành Giáo dục - Đào tạo, Y tế.
Ngọc Lê
Ý kiến ()