Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả HTX
Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 148 hợp tác xã (HTX) thành lập mới, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh là 895 HTX.
Trong tổng số 895 HTX có 665 HTX đang hoạt động kê khai thuế, số HTX yếu kém, ngừng hoạt động hoặc mới thành lập chưa đi vào hoạt động là 230 HTX, chiếm 25,7%. Tổng số vốn điều lệ đăng ký hoạt động là 3.030,6 tỷ đồng; doanh thu bình quân một HTX ước đạt 870 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân một HTX ước đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân một thành viên, lao động HTX là 68 triệu đồng/năm, tương đương 5,6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 3 Liên hiệp hợp tác xã với vốn đăng ký là 66,1 tỷ đồng; có 215 tổ hợp tác với 840 thành viên tham gia; 2 Quỹ tín dụng nhân dân…
Đến nay toàn tỉnh có 83 HTX nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Nhiều HTX đã quan tâm hỗ trợ cho thành viên HTX khi gặp khó khăn, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động của 2 Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, theo đúng tôn chỉ, mục đích… Từ đó đã góp phần hỗ trợ cho các thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tích cực công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và góp phần phát triển kinh tế địa phương đặc biệt ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn, các xã.
Bên cạnh đó, một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như: Mô hình HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả; Mô hình HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Tuyền Huyền, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà; Mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong phường Hồng Phong, TP Đông Triều. Đây là những là hạt nhân trong ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tư nhân, HTX tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Kế hoạch về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tư nhân, HTX; đã xây dựng và tổ chức thực hiện hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX theo quy định. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt công tác quản lý, chấn chỉnh, hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân, tập trung chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những tồn tại, yếu kém, sai phạm trong hoạt động của Quỹ, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương và cơ quan công an cấp huyện, xã trong công tác quản lý quỹ.
Tỉnh cũng thường xuyên quan tâm hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, xúc tiến đầu tư… Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX về ghi nhãn hàng hoá, đăng ký mã số mã vạch, xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; truy xuất nguồn gốc hàng hoá, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và tư vấn thành lập HTX. Về chính sách về tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX, đến tháng 9/2024, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí kinh phí uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ tín dụng phát triển HTX với tổng số tiền là 40.341 triệu đồng để thực hiện các chính sách của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, đã có 116 lượt HTX được vay vốn từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh với số tiền 67,9 tỷ đồng, dư nợ 12,5 tỷ đồng với 19 HTX được vay vốn còn dư nợ…
Thực tiễn tại Quảng Ninh về thực hiện Luật Hợp tác xã đã khẳng định vai trò của HTX kiểu mới đối với kinh tế hộ, đó là: HTX nông nghiệp không làm triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ mà làm gia tăng giá trị, thu nhập của hộ nông dân và làm GDRP nông nghiệp tăng lên. Nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân, HTX là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đóng góp tích cực vào hoàn thành mục tiêu quốc gia trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tham gia tích cực vào Chương trình OCOP của tỉnh. Nhiều HTX mới được thành lập, hoạt động đa dạng hóa về ngành nghề, lĩnh vực; việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật, từng bước đổi mới về tổ chức hoạt động, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường; khẳng định rõ vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả HTX với hình thức đa dạng, nòng cốt là các HTX với hệ thống sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc thù của các địa phương thuộc tỉnh. Đồng thời, mở rộng, đổi mới và phát triển HTX, khuyến khích phát triển các HTX có quy mô lớn với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; nâng cao thu nhập, lấy lợi ích của thành viên làm trung tâm; tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.
Ý kiến ()