
Tiên phong làm nông sản sạch
Từ đồng ruộng đi lên với tâm huyết sản xuất nông sản sạch, an toàn cho sức khoẻ, chị Lê Thị Thà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, đã đưa thương hiệu này dần trở nên quen thuộc trên thị trường. Hiện nay, Hoa Phong vừa sản xuất, vừa kinh doanh các sản phẩm theo chuỗi gạo, chuỗi rau và các loại thực phẩm, hàng tiêu dùng đa dạng khác.
Đi lên từ cây lúa…
Sinh ra và lớn lên ở thôn Đoàn Xá, xã Hồng Phong (nay là phường Hồng Phong, TP Đông Triều), chị Lê Thị Thà gắn bó với đồng ruộng chính từ những thửa nếp cái hoa vàng nổi tiếng của vùng đất này. Chị bảo: Bố tôi là người có diện tích cấy lúa nếp cái hoa vàng nhiều nhất ở xã. Tiếp nối kinh nghiệm của bố, khi nhận ruộng, tôi cũng cấy 100% diện tích là giống nếp cái hoa vàng.

Sau này, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi các vùng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), cùng với diện tích vốn có, gia đình chị đã mạnh dạn nhận chuyển nhượng lại đất của các hộ dân quy hoạch thành khu NTTS với diện tích gần 3ha. Khi ấy, gia đình chị là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá rô phi thâm canh của Quảng Ninh, được cấp giấy chứng nhận trang trại gia đình và nhận được nhiều bằng khen của trung ương, tỉnh, địa phương. Chị nhớ lại: Các hộ lúc ấy chăn nuôi khá nhỏ lẻ. Vì vậy, tôi đã mở một đại lý thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản để cung cấp sản phẩm đầu vào với giá rẻ đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con trên địa bàn…
Năm 2013, từ nguồn vốn kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chị đã thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong. Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, chị chia sẻ: Khi thành lập HTX Hoa Phong với tư cách là người sáng lập viên, tôi muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì bối cảnh lúc đấy trên thị trường thực phẩm bẩn - thực phẩm sạch đang gây hoang mang cho người tiêu dùng, những cách thức chăn nuôi, trồng trọt an toàn vẫn đang ở giai đoạn chuyển giao, có nhiều quan điểm chưa đúng, thậm chí sai lầm… gây tổn hại lâu dài cho sức khỏe người tiêu dùng. Vậy nên, chúng tôi mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để cùng với bà con ở địa phương phát triển nông nghiệp sạch, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới là nông nghiệp hữu cơ...

Mô hình mới lạ
Ý tưởng của chị đã được lãnh đạo địa phương nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho HTX sử dụng đất ở khu vực chợ Cột (Đông Triều) tạo thành điểm giới thiệu sản phẩm và giao dịch, kết nối của các địa phương trên địa bàn. Hiện thực hoá ý tưởng canh tác các loại rau quả sạch, an toàn, chị đã chọn một vùng đất rộng, thuận tiện về giao thông, nước sạch là cánh đồng ở phường Xuân Sơn bây giờ để làm điểm bằng cách thuê đất của những người nông dân nơi đây.
Chị kể: Lãnh đạo huyện, xã khi ấy rất ủng hộ, thông báo cho bà con nông dân ở xã là cho HTX Hoa Phong mượn đất, trả cho người nông dân một tạ thóc/sào/năm. Bà con có thể quay lại làm cho HTX Hoa Phong và được trả lương theo tháng. Mô hình khi ấy vô cùng mới lạ nên ban đầu người dân rất hoang mang, lo ngại bị lừa, chiếm đất… vì trước đó bà con đều tự làm, tự lo, cấy lúa thì năm được năm mất, trừ chi phí rồi cũng chỉ còn vài trăm nghìn một sào thôi. Vậy nên, các phần việc ban đầu rất khó khăn để thay đổi tư duy bà con, có nhà nói hiểu ngay nhưng có nhà phải tư vấn nhiều lần, tới mấy tháng trời.
Mất khoảng nửa năm, mô hình bắt đầu ổn định, HTX thuê được 13,9ha đất của 165 hộ nông dân; gần một trăm hộ nông dân trở lại đi làm cho HTX, đa số là phụ nữ trung niên, cao tuổi. Để đảm bảo việc canh tác, chị thuê một đội ngũ quản lý từ tỉnh ngoài về, lựa chọn những người có bằng cấp và kinh nghiệm chuyên sâu về trồng trọt. Sau khoảng một năm canh tác và chuyển giao, công việc này được lấy từ chính người dân địa phương…

Chị chia sẻ: Bà con nông dân về sau rất phấn khởi. Tôi nhớ mãi không thể quên được chuyện một bà cụ 75 tuổi, khi cầm tháng lương đầu tiên trên tay đã khóc vì lần đầu tiên được cầm món tiền tới 3 triệu đồng. Khi ấy, đời sống chung của nông dân còn khó khăn, như bà cụ kia con cái cũng nghèo, người ta vào cái tầm tuổi đấy toàn đi mò cua bắt ốc mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn thôi…
Dám nghĩ dám làm, dành toàn bộ tâm huyết, tiền của đầu tư vào đồng ruộng, ngày ngày chăm chỉ ra đồng, chị nhìn ngắm những luống rau cứ xanh mượt mà, cây cối lên mơn mởn, nở hoa kết trái mà lấy làm niềm vui, cuốn hút vô cùng. Là mô hình mới, có tính điển hình, sau khi đi vào hoạt động ổn định đã đón rất nhiều đoàn của các địa phương đến học hỏi, tham quan hàng năm.
Niềm vui, những nỗi lo cũng từ đấy mà ra. Chị bảo, ban đầu cũng khó khăn lắm vì không có nhiều công ty chịu tiêu thụ nông sản của mình trong khi mười mấy ha các loại rau củ cho sản lượng cao, như bí xanh vụ đầu năm 2013 ấy thu hơn 100 tấn, cà tím mỗi ngày thu gần tấn, rồi bí đỏ các kiểu… khiến chị phải đôn đáo lo tìm nơi tiêu thụ. Rồi “trông trời, trông đất, trông mây” bởi chỉ một trận mưa đá cuối năm mà thiệt hại đến mấy tỷ đồng ngay.
Cho tới giờ, chị vẫn không thể quên được câu chuyện “bắp cải nở hoa” vào dịp Tết cách đây mười mấy năm. Cả vùng trồng rau có tới 6-7ha trồng bắp cải xuất đi miền Nam nhưng gặp mưa đá, bắp cải nứt ra, nở hoa bát ngát trên đồng. Bắp cải chặt đi bán thậm chí không đủ trả tiền thuê công nhân đi thu hoạch, ăn ngủ đều bắp cải, bắp cải chất từ nhà ra đồng, bán không hết phải cày bừa làm phân… Gần đây nhất là cơn bão số 3 đã thổi bay 13.000m2 nhà màng của HTX.
Chị tâm sự: Đầu tư vào nông nghiệp vô cùng khó khăn, không kiên trì, không tâm huyết thì không làm được. Mà không có đủ tiền cũng không trụ được, thất bát một lần có khi không gượng dậy nổi. Có lúc tôi phải vay mượn anh chị em họ hàng đến nỗi có người bảo tôi mà vỡ nợ thì ảnh hưởng tới cả họ, tại vì họ hàng có đồng nào là vay mượn hết…

Bù lại, lòng quyết tâm của chị được nhiều lãnh đạo địa phương ủng hộ, anh chị em bạn bè giúp đỡ. Mô hình cũng giúp được cho rất nhiều nông dân. Chị phân tích: Lúc thiên tai, mình thiệt hại về sản phẩm nhưng nông dân vẫn có việc làm, ví như mình mất hai tỷ thì không phải mất trắng mà nó cũng vào một phần tiền lương trả cho nhân công rồi, cho nên tôi vẫn quyết tâm để làm…
Khao khát nâng cao giá trị nông sản
Cho đến nay, vùng rau tại Xuân Sơn đã được HTX Hoa Phong duy trì thuê đất, canh tác suốt hơn 12 năm qua và nay đơn vị đã mở rộng ra nhiều điểm khác theo hình thức liên kết tiêu thụ nông sản sạch, an toàn với bà con ở các phường, xã lân cận và các huyện, thị khác. Cùng với đó, HTX cũng có gần chục héc ta đất từ việc chuyển đổi và mua lại của người dân để sản xuất. Hoa Phong hiện là một trong những đơn vị đi đầu trong chương trình OCOP của tỉnh và tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với sản phẩm Gạo nếp cái hoa vàng. Bên cạnh việc cung cấp nông sản sạch, an toàn ra thị trường nội tỉnh, nội địa, Hoa Phong còn liên kết với một số địa phương trồng rau xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Dù vậy, chị vẫn đau đáu tâm huyết đầu tư sâu vào lĩnh vực nông nghiệp, mở rộng sản xuất, chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản. Chị phân tích: Gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều so sánh với gạo nếp cái hoa vàng nhiều địa phương còn ngon hơn vì thơm, dẻo, đậm vị. Gạo này loại ngon có nơi bán đến 70.000đồng/cân rồi, nhưng với giá bán hiện nay thì bà con Đông Triều cấy nếp này không lãi bao nhiêu. Đấy là một ví dụ thôi nên tôi mới đang tính là mình phải sản xuất sạch và chế biến, nâng cao giá trị lên… Giờ chúng tôi đang làm sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới sẽ làm sản phẩm hữu cơ.
Với tâm niệm xây dựng thương hiệu, uy tín từ những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khoẻ để phát triển bền vững, chị đã định hướng cho hai con vào học ngành nông nghiệp để lập thân, lập nghiệp và dẫn dắt HTX Hoa Phong phát triển mạnh mẽ hơn. Chị trải lòng: Người nông dân sau này là nông dân hiện đại, phải có trình độ, có tâm và có tầm. Có tâm để sản xuất ra những sản phẩm sạch, tốt cho sức khoẻ và phải có điều kiện đầu tư thì mới trụ vững, làm nông nghiệp lâu dài, bền vững được. Dù phải trải qua nhiều khó khăn, tôi vẫn nghĩ là mình đã chọn con đường đúng đắn, xây dựng được một mô hình nhiều nơi mong muốn, tự hào đóng góp một phần nhỏ bé cho quê hương Đông Triều nói riêng, Quảng Ninh nói chung.
Ý kiến ()