
Gian nan hành trình thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ
Với một đứa trẻ bình thường, việc biết đi, biết nói, nhận biết màu sắc, đồ vật, vui đùa và trò chuyện là điều hiển nhiên. Nhưng với trẻ tự kỷ, đó là cả một hành trình đầy gian nan, thậm chí có những điều tưởng chừng không thể đạt được. Trong hành trình ấy, bên cạnh sự nỗ lực bền bỉ không ngừng của cha mẹ, những giáo viên tại các cơ sở giáo dục đặc biệt chính là người đồng hành tận tụy, kiên nhẫn từng ngày chăm sóc, dạy dỗ các em bằng tất cả tình yêu thương, sự thấu hiểu. Mỗi tiến bộ dù nhỏ bé cũng là niềm vui lớn lao, thắp lên hy vọng rằng một ngày nào đó, các em sẽ có thể hòa nhập, học tập và vui chơi như bao trẻ em khác.
Trao yêu thương và thấu hiểu
Trong những căn phòng học nhỏ nhắn, gọn gàng của Trung tâm Tâm lý giáo dục Hoa Sao (TP Hạ Long), mỗi ngày trôi qua là một hành trình yêu thương và kiên nhẫn của các cô giáo dành cho những học sinh đặc biệt. Họ không chỉ là những người dạy chữ, dạy kỹ năng mà còn là người đồng hành, nâng đỡ những tâm hồn bé nhỏ đang chập chững tìm cách hòa nhập với thế giới xung quanh.

Gắn bó với nghề gần 7 năm, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, giáo viên Trung tâm Tâm lý giáo dục Hoa Sao, vẫn chưa thôi trăn trở với từng ánh mắt, từng cử chỉ của học trò. Không ít đêm nằm xuống giường, chị vẫn bị ám ảnh bởi tiếng la hét của trẻ khi rối loạn cảm xúc, vẫn trằn trọc suy nghĩ làm sao để hiểu con, để đồng hành và giúp các con tiến bộ hơn mỗi ngày.
“Nếu không đặt cả trái tim và tình yêu thương, sự kiên nhẫn vào công việc này, thật khó để có thể gắn bó lâu dài. Mỗi đứa trẻ tự kỷ đều có thế giới riêng của mình, một thế giới mà đôi khi rất khó để chạm tới. Vậy nên, mỗi ánh mắt, mỗi cái chạm tay, mỗi câu nói của giáo viên đều cần sự dịu dàng, khéo léo, để trẻ cảm nhận được sự an toàn, tin tưởng, gần gũi” - chị Nga chia sẻ.
Dạy trẻ tự kỷ không chỉ là một công việc mà còn là một hành trình của sự yêu thương, kiên trì và hi vọng - nơi mà mỗi sự tiến bộ dù rất nhỏ của trẻ cũng là niềm vui, động lực cổ vũ đối với người thầy. Có những ngày, một nụ cười, một cái ôm từ học trò hay một tin nhắn của phụ huynh vui mừng kể về sự tiến bộ của con ở nhà cũng đủ để chị Nga thấy ấm lòng, thấy những cố gắng của mình không vô ích.
Phụ trách những học sinh tự kỷ đã có nhiều tiến bộ để bước sang giai đoạn học tập tiền tiểu học, chị Bùi Thị Diệu Thuần, giáo viên Trung tâm Tâm lý giáo dục Hoa Sao, vẫn nhớ mãi những cảm xúc hạnh phúc khi các con cầm bút viết được nét chữ đầu tiên, phát âm được từng chữ cái rõ ràng. Có thể đôi tay nhỏ bé còn run rẩy, nét chữ chưa ngay hàng thẳng lối, nhưng đó là thành quả của biết bao ngày miệt mài kiên nhẫn, là sự nỗ lực không ngừng của cả cô và trò.

Nhớ về những học sinh đã từng đồng hành, cô Thuần không thể quên N.K.H., cậu bé 10 tuổi đến từ TP Hạ Long. Ngày đầu đến lớp, H. mang trong mình những rối loạn về cảm xúc và hành vi, nhưng lại rất thông minh và nhanh nhạy trong học tập. Mỗi phép tính, bài tập đọc, thậm chí từ vựng tiếng Anh cô dạy, con đều tiếp thu rất tốt. Thế nhưng, khi gặp điều gì không vừa ý, con lại phản ứng dữ dội, la hét, đôi lúc tiêu cực như tự đập đầu vào tường, khiến việc dạy dỗ trở thành một thử thách chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng bằng sự kiên trì, yêu thương và thấu hiểu, cô trò dần trở nên gần gũi hơn. H. không còn phản ứng gay gắt như trước, con học cách lắng nghe, hợp tác và thể hiện cảm xúc theo cách tích cực hơn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là những buổi tối sau khi tan học, H. vẫn nằng nặc đòi mẹ gọi điện Zalo cho cô giáo để trò chuyện. Dù có thể không giỏi bày tỏ cảm xúc nhưng trong ánh mắt, trong những lời nói rụt rè của con, chị Thuần hiểu rằng, tình cảm mà con dành cho cô rất chân thành, ấm áp.

Mô hình tâm lý trị liệu dành cho trẻ rối nhiễu tâm trí, tự kỷ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã đi vào hoạt động hơn 10 năm nay, mang lại cơ hội can thiệp và hỗ trợ cho nhiều trẻ tự kỷ. Gắn bó với mô hình ngay từ những ngày đầu tiên, chị Hoàng Thị Thanh Nhàn không chỉ là người thầy mà còn là người mẹ thứ hai luôn yêu thương, tin cậy của trẻ tự kỷ.
Chị Nhàn chia sẻ: Nhớ ngày đầu vào nghề, tôi đã thật sự bất ngờ khi lần đầu tiên đối diện với những hành vi hung tính của trẻ rối loạn cảm xúc. Khi 2 cô trò đang ngồi học theo phương pháp 1 cô - 1 trò, tự nhiên con la hét, đập mạnh đầu con vào đầu tôi, khiến tôi bị bất ngờ, có chút bối rối, không kịp phản ứng. Nhưng rồi, càng gắn bó với các con, tôi càng hiểu rằng, đằng sau những hành vi ấy là sự bất an, lo lắng mà trẻ chưa thể diễn đạt bằng lời. Từ đó, tôi học cách quan sát thật kỹ từng biểu hiện, hành vi, dự đoán trước phản ứng của trẻ để có biện pháp can thiệp phù hợp, dần dần giúp các con điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực hơn.
Dù đã có 10 năm kinh nghiệm, chị Nhàn vẫn không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới để áp dụng linh hoạt cho từng trường hợp. Bên cạnh việc trực tiếp hỗ trợ, dạy dỗ trẻ, chị còn luôn sát cánh với gia đình, giúp phụ huynh hiểu rõ phương pháp can thiệp, giảm bớt áp lực trong hành trình cùng con vượt qua khó khăn. Với chị, thành công không chỉ là sự tiến bộ của trẻ mà còn là sự thay đổi trong nhận thức và cách đồng hành của cha mẹ, để mỗi đứa trẻ có thêm cơ hội hòa nhập và phát triển tốt nhất.
Thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ
Nhìn các cô giáo tại các cơ sở giáo dục đặc biệt hay các nhân viên y tế tại những bệnh viện chuyên khoa tận tâm khám, điều trị cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển mới thấu hiểu hết sự vất vả và tấm lòng của họ. Từng cử chỉ ân cần khi hướng dẫn các con tập vận động, từng lời nhắc nhở kiên nhẫn để giúp trẻ tập trung vào hoạt động… tất cả đều xuất phát từ sự yêu thương và trách nhiệm. Hơn cả vai trò của một người thầy, họ chính là những người mẹ thứ hai, luôn đồng hành và nâng đỡ những đứa trẻ kém may mắn trên hành trình trưởng thành.

Từ cơ sở Mầm non tư thục Ánh Sao hoạt động theo mô hình giáo dục hòa nhập, đến năm 2018, Trung tâm Tâm lý giáo dục Hoa Sao chính thức được thành lập nhằm tạo mọi điều kiện để tập trung hỗ trợ chăm sóc, giáo dục chuyên sâu cho trẻ tự kỷ đặc trưng. Trung tâm hiện đang điều trị cho 60 trẻ rối loạn phổ tự kỷ, chậm nói, rối loạn ngôn ngữ từ 20 tháng đến 18 tuổi theo những giáo án riêng, thiết kế lộ trình học tập phù hợp với từng trẻ theo từng giai đoạn phát triển, đảm bảo sự can thiệp đạt hiệu quả cao nhất.
Gần 20 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, chị Bùi Kiều Chinh, Giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục Hoa Sao thấu hiểu sâu sắc những áp lực, lo âu của các bậc phụ huynh cũng như những khó khăn mà trẻ phải đối mặt. Vì vậy, bên cạnh các hoạt động trị liệu tại Trung tâm, chị còn phối hợp với các cơ sở mầm non trên địa bàn để tạo môi trường học tập hòa nhập cho trẻ. Đồng thời, tích cực kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp cho trẻ tự kỷ, như: Gội đầu, làm sản phẩm thủ công (thêu, đính tranh đá, xâu hạt vòng…), tháo lắp linh kiện đơn giản… Những lớp học này không chỉ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng vận động, kỹ năng sống độc lập mà còn mở ra cơ hội tạo thu nhập, từng bước giúp trẻ hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Cùng với các cơ sở tư nhân, từ tháng 7/2015, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã thành lập Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng thực hiện việc khám, điều trị cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Đơn vị hiện đang triển khai nhiều phương pháp hiện đại cho trẻ tự kỷ, như: Vật lý trị liệu, âm nhạc trị liệu, hồng ngoại trị liệu, xoa bóp bấm huyệt điều trị liệt dây thần kinh VII, ngôn ngữ trị liệu, kích thích phát âm bằng máy, điện trị liệu… Cùng với đó, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, đầy đủ, hoàn thiện, đã góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chẩn đoán, can thiệp các rối loạn phát triển trẻ em, nhất là tự kỷ trên địa bàn tỉnh.

Tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, song song với triển khai thực hiện các dịch vụ sàng lọc, đánh giá, tư vấn, trị liệu miễn phí cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức các lớp tập huấn tại cộng đồng cho cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ những kiến thức cơ bản về phòng ngừa, phát hiện và phương pháp can thiệp trị liệu trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh nắm vững những kiến thức nhận biết các dấu hiệu khác thường của trẻ, từ đó đưa trẻ đi đánh giá, sàng lọc sớm, để có kế hoạch và can thiệp kịp thời trong giai đoạn tuổi vàng.
Hành trình giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng chưa bao giờ dễ dàng. Đó không chỉ là trách nhiệm của gia đình, của ngành giáo dục, y tế, mà còn cần sự chung tay của cả xã hội, bởi khi mỗi đứa trẻ được trao cơ hội phát triển đồng nghĩa với việc chúng ta đang cùng nhau xây dựng một xã hội nhân văn, tràn đầy yêu thương.
Ý kiến ()