Thường trực Tỉnh ủy làm việc tại Trường Đại học Hạ Long
Ngày 3/8, Thường trực Tỉnh ủy đã có chương trình làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Đảng ủy Trường Đại học Hạ Long về tình hình, kết quả thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh Quảng Ninh về việc xây dựng, phát triển Trường Đại học Hạ Long. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc.
Trường Đại học Hạ Long được thành lập vào năm 2014 có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Trong gần 7 năm đi vào hoạt động, trường ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín, thu hút được đông đảo sinh viên theo học. Hàng loạt cơ chế, chính sách riêng có tỉnh đã góp phần tạo nguồn giảng viên chất lượng cao, đảm bảo việc mở hơn chục mã ngành đào tạo hệ đại học, khuyến khích sinh viên học tập và phấn đấu đạt thành tích cao. Sinh viên các khóa học đã tốt nghiệp, hầu hết có việc làm ổn định.
Hiện Trường Đại học Hạ Long có 9 khoa, 6 phòng và 5 trung tâm với tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên là 298 người, trong đó có 39 tiến sĩ, 191 thạc sĩ, 1 Phó Giáo sư. Ngoài 16 ngành trình độ đại học tập trung vào 5 lĩnh vực chuyên môn chính, gồm: Ngoại ngữ; du lịch dịch vụ; văn hóa, nghệ thuật, xã hội nhân văn; công nghệ, kỹ thuật; sư phạm, Trường đang đào tạo 6 ngành trình độ cao đẳng và 5 ngành trình độ trung cấp. Quy mô các hệ đào tạo của trường là 6.729 người, trong đó hệ chính quy là 4.594 sinh viên, học sinh. Năm 2022, nhà trường tập trung xây dựng đề án để tiếp tục mở mới 3 ngành đào tạo hệ đại học: Quản trị kinh doanh; Thiết kế đồ họa; Văn học báo chí truyền thông; mở mới 2 đến 3 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ...
Bám sát định hướng của tỉnh, bên cạnh đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên trong cả nước, Trường dành nhiều quan tâm cho nhu cầu học tập, nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương, nhất là ở lĩnh vực du lịch. Đến nay, Trường đã kết nối với hơn 40 doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn để tham gia quá trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực hành nghề, thực tập, tiếp nhận sinh viên thử việc có hưởng lương và trao học bổng cho sinh viên. Qua đó, sinh viên có cơ hội được tiếp cận với thực tiễn, học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Bên cạnh đó, Trường cũng tập trung cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; công tác khảo thí; công tác học sinh, sinh viên; đầu tư cơ sở vật chất...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao Trường Đại học Hạ Long sau gần 7 năm thành lập đã có bước phát triển vượt bậc về cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, học sinh sinh viên tăng cả về chất lượng và số lượng. Chất lượng đầu vào ngày càng được nâng lên đã mang đến chất lượng đầu ra tốt. Trường Đại học Hạ Long từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cả nước. Thành quả đó là sự nỗ lực của các cán bộ giáo viên, giảng viên; các học sinh sinh viên của nhà trường và đặc biệt là sự quan tâm đặc biệt rất lớn của tỉnh với nhiều cơ chế chính sách hết sức ưu đãi.
Với ngôi trường có quy mô 5.000 đến 10.000 sinh viên, được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại thì mục tiêu xây dựng Trường Đại học Hạ Long trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong những cơ sở giáo dục đại học uy tín, thương hiệu quốc tế, có vị thế hàng đầu trong nước về đào tạo nhân lực, góp phần phục vụ sự phát triển của tỉnh, của đất nước và quan trọng là đáp ứng mong muốn của chính nhân dân tỉnh Quảng Ninh không còn xa.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần phải tạo sự đồng bộ, liên thông, tổng thể trong cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; giải quyết vấn đề thách thức giữa nhu cầu tăng quy mô sinh viên với đáp ứng giảng dạy của giảng viên. Quan trọng nhất là phải tạo sự khác biệt, đột phá trong chiến lược phát triển. Trong đó, phải xác định được ngành nghề đang có lợi thế từ tỉnh, từ ngoài xã hội và đặc biệt phải tìm kiếm công nghệ mới về giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học bậc đại học. Trước hết, phải xây dựng ngành du lịch Trường Đại học Hạ Long trở thành ngành nổi tiếng trong cả nước; phải hình thành Trung tâm ngôn ngữ thông qua việc ưu tiên tập trung tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; đồng thời, phát triển ngành thủy sản, văn hóa nghệ thuật và khoa học môi trường…
Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đồng chí cho rằng, Trường cần tập trung nâng cao chất lượng đầu vào theo hướng linh hoạt từng năm gắn với số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên; chương trình đào tạo phải cập nhật những phương pháp luận mới nhất của thế giới về giáo dục đại học; Cùng với đó, là tạo sự đồng bộ về cơ sở vật chất; học liệu; quản trị nhà trường; chất lượng kiểm định; hợp tác trong nước; hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao dịch vụ.
Bên cạnh đó, cần đánh giá lại các chính sách của tỉnh đã có trong những năm qua, chỉ rõ những chính sách nào không còn phù hợp, chính sách nào còn phù hợp hoặc cần nghiên cứu, xem xét báo cáo tỉnh bổ sung, phát triển theo hướng trọng tâm, trọng điểm và hướng tới việc tăng dần tính tự chủ của nhà trường.
Trường cũng cần đánh giá cơ sở vật chất hiện có, xác định nhu cầu đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 để tránh lãng phí sau đầu tư. Đồng thời, trên cơ sở vật chất đang có, cần sớm đưa hoạt động nhà trường về một điểm.
Đối với các đề xuất của trường tại buổi làm việc, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sớm có những đánh giá cụ thể để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Đồng thời, sớm có đề án phát triển nhà trường với tầm nhìn xa hơn, mang tính chiến lược hơn.
Ý kiến ()