Thương hiệu bản quyền cho chả mực Hạ Long
Chả mực Hạ Long luôn có mặt trong menu của các nhà hàng khách sạn ở Quảng Ninh từ quán cơm bình dân đến khách sạn hạng sang. Những địa chỉ thương mại luôn thu hút lượng khách du lịch lớn như chợ Hạ Long I, Hạ Long II đã hình thành một dãy kiốt bán chả mực mà chỉ nhìn cách chế biến thôi đã đủ thấy hấp dẫn.
Chả mực Hạ Long giờ trở thành món quà không thể thiếu của người Quảng Ninh với khách phương xa. Không chỉ vậy, nó cũng chính là quà mà khách phương xa đến Hạ Long luôn tìm mua để chia sẻ với bạn bè, người thân về nét đặc sắc của vùng đất họ từng đến. Và cũng thật kỳ lạ, dù các cửa hàng chả mực có lấy đủ các loại tên với nhiều biển hiệu khác nhau như ''Chả mực Tuyết Thoa, chả mực Lân Điệp, chả mực Hiền Nhung...'' thì người mua dù là dân bản địa hay du khách trong và ngoài nước vẫn chỉ nhắc đến một cái tên chung nhất ''Chả mực Hạ Long''. Trong các câu chuyện giới thiệu về ẩm thực Hạ Long, người ta cũng chỉ nhắc đến món chả mực bằng tên gọi chung gắn với địa danh vùng đất Di sản.
Như vậy, dù chưa quảng bá mạnh thì chả mực Hạ Long đã bắt đầu nổi tiếng. Nhưng đấy là sự nổi tiếng theo kiểu ''tự phát'', chứ chưa được xây dựng thành ''thương hiệu đăng ký bản quyền''. Tuy nhiên, để làm được điều này, các cửa hàng chả mực Hạ Long phải biết liên kết lại với nhau. Không chỉ vậy, nó còn phải được cấp chính quyền thành phố ''đỡ đầu'' để các ngành chức năng như Công thương, Khoa học - Công nghệ... cùng vào cuộc.
Khi sản phẩm gốm sứ ở huyện Đông Triều được lập dự án để xây dựng nhãn hiệu tập thể ''Đông Triều'' thì câu chuyện nhãn hiệu tập thể ''Hạ Long'' cho sản phẩm chả mực là điều hoàn toàn có thể. Chỉ có điều, nó được làm sớm hay muộn, để tránh những bài học tranh chấp về thương hiệu như kiểu cà phê Trung Nguyên. Hay như nỗi buồn của người Hạ Long khi thấy các sản phẩm đồ hộp sản xuất ở Hải Phòng nhưng mang tên ''Hạ Long''...
Ý kiến ()