
Thúc đẩy tăng trưởng từ nguồn lực ngoài ngân sách
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 14% trở lên, bên cạnh việc tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về đầu tư công, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác thu hút và kêu gọi đầu tư các dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách. Đồng thời, thúc đẩy các dự án hoàn thành đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho tăng trưởng.
Trong quý I, tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 167,33 triệu USD, trong đó cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 92,94 triệu USD; điều chỉnh GCNĐKĐT cho 29 lượt dự án (trong đó điều chỉnh tăng vốn 6 dự án với số vốn tăng thêm 74,39 triệu USD). Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 217 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 16,7 tỷ USD. Thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 15.719 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ, trong đó cấp mới cho 5 dự án với tổng mức đầu tư là 2.217,5 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư là 2.842 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang thẩm định 5 dự án với tổng vốn đầu tư là 10.550 tỷ đồng.
Cùng với thu hút đầu tư, Quảng Ninh kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, tập trung giải quyết ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, như quy hoạch, vật liệu san lấp, GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... nhằm thúc đẩy triển khai toàn bộ công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Trong quý I/2025, tỉnh đã hỗ trợ tối đa, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC để các dự án mới đảm bảo đủ điều kiện để khởi công, trọng tâm là Dự án Nhà máy Lite-On Quảng Ninh giai đoạn 1 tại KCN Sông Khoai, với tổng vốn đầu tư là 690 triệu USD; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành các TTHC về môi trường, phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu công trình… để đưa dự án vào hoạt động chính thức trước thời hạn như: Nhà máy Lioncore Việt Nam 2 (Lioncore2) của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam; Nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp Fujix Việt Nam của Công ty TNHH Fujix Electronic Việt Nam, Dự án sản xuất vải sợi pha Phúc Ân tại KCN Texhong - Hải Hà của Công ty TNHH Phúc Ân (Việt Nam); Nhà máy Tamagawa Việt Nam của Công ty TNHH Tamagawa Việt Nam; tổ chức khánh thành, đưa Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng vào sản xuất thương mại.
Cùng với đó, các cơ quan của tỉnh cũng tổ chức làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh (Vingroup, Sun Group, BIM Group). Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, nút thắt liên quan đến đất đai, quy hoạch, dự án đầu tư (đặc biệt là về vật liệu đất, cát san lấp mặt bằng, giá đất, quy hoạch “treo”, dự án chậm tiến độ…) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, Công viên Đại Dương Hạ Long, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh… Đến nay, đã hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, gia hạn/bổ sung thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư hoặc cho ý kiến để thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư làm cơ sở triển khai các thủ tục, các bước tiếp theo, thúc đẩy hoàn thành dự án, chấm dứt tình trạng tồn đọng kéo dài của 12/88 dự án tồn đọng.
Hiện tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng trên cơ sở bảo đảm các quy định của pháp luật về đầu tư, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn, góp phần hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Ý kiến ()