
Thời điểm dễ mắc bệnh truyền nhiễm trong năm
Thời tiết nắng nóng gay gắt không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh tật phát triển, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm do siêu vi.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) chỉ ra nhiệt độ cao khiến cơ thể mất nước, điện giải, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, da và tim mạch.
Đáng chú ý, mùa nóng ẩm cũng là "môi trường lý tưởng" cho các bệnh truyền nhiễm do siêu vi như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, viêm não Nhật Bản... bùng phát.
Các siêu vi có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau, như hít phải các giọt bắn chứa virus khi người bệnh ho hoặc hắt hơi (thường gặp ở cúm, cảm lạnh), nuốt phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus. Bên cạnh đó, người dân còn dễ mắc một số bệnh do côn trùng, động vật đốt và truyền virus trực tiếp vào máu như bệnh dại, sốt xuất huyết.
Khi virus xâm nhập, cơ thể thường có giai đoạn ủ bệnh từ 16 đến 48 giờ trước khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng, phổ biến nhất là sốt. Nhiệt độ cơ thể có thể dao động từ 37,2°C đến trên 39°C tùy thuộc vào loại virus.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng kéo dài vài ngày như: ho, hắt hơi, ớn lạnh, đổ mồ hôi, mất nước, đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, ăn không ngon, đau amidan, chảy nước mũi, khó thở, viêm họng, viêm da, buồn nôn, nôn ói, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy), phát ban, sưng mặt, đỏ mắt.
Phần lớn các cơn sốt siêu vi thường kéo dài 3-4 ngày, một số ít có thể chỉ kéo dài 1 ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp sốt do các bệnh khác như sốt xuất huyết có thể kéo dài trên 10 ngày. Đặc biệt, những người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, người ghép tạng, nhiễm HIV hoặc có dấu hiệu rối loạn tri giác cần phải được thăm khám y tế ngay lập tức.
Việc phân biệt nhiễm siêu vi và nhiễm khuẩn đôi khi khó khăn do có nhiều triệu chứng tương đồng. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ dựa vào việc xem xét các triệu chứng, tiền sử bệnh và thực hiện các xét nghiệm máu hoặc mẫu bệnh phẩm (nước bọt, dịch cơ thể) để loại trừ nhiễm trùng do vi khuẩn.
Bác sĩ Vũ đưa ra các biện pháp chung để đối phó với các bệnh thường gặp trong mùa nóng:
- Hạn chế ra ngoài trời nắng gắt khi không cần thiết, sử dụng vật dụng chống nắng khi ra ngoài.
- Uống đủ nước, bổ sung điện giải bằng nước chanh, nước muối loãng hoặc oresol. Tránh uống nước đá lạnh.
- Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp và tránh để quạt thổi trực tiếp vào người.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, tăng cường dinh dưỡng.
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng nước muối.
- Vệ sinh nhà cửa, lau chùi các bề mặt tiếp xúc thường xuyên.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý chất thải đúng cách.
- Đối với các bệnh như thủy đậu, tay chân miệng, không tự ý làm vỡ các mụn nước và cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế nếu tình trạng không cải thiện.
Ý kiến ()