"Thay da đổi thịt" cho gà Tiên Yên
Năm 2024, số lượng gà Tiên Yên xuất chuồng ước đạt 1,36 triệu con, tăng 6,3% cùng kỳ. Hàng năm, số lượng gà thương phẩm tăng cao hơn nhưng lại đi kèm với thách thức, tiêu thụ số lượng gà đó như thế nào, nếu như chỉ phát triển chăn nuôi gà đơn thuần thì người tiêu dùng có mặn mà mãi không trong khi nhiều địa phương khác cũng phát triển đàn gà rồi đưa vào Quảng Ninh tiêu thụ, cạnh tranh về mọi mặt?
Nuôi gà dưới tán rừng ngập mặn
Vừa qua, tôi đến huyện Tiên Yên để tìm hiểu về việc đưa gà Tiên Yên vào phục vụ thị trường Tết. Một lãnh đạo kể câu chuyện, có lần ông lên TP Hà Nội để tiếp thị gà Tiên Yên, một đối tác bảo: Gà Tiên Yên giá thành đắt hơn gà ở các địa phương khác, nên khi nhập vào chúng tôi phải bán đắt. Vậy lấy lý do gì để khách hàng bỏ nhiều tiền hơn mua gà Tiên Yên, trong khi họ mua gà ở địa phương khác có cùng trọng lượng nhưng giá thành rẻ hơn. Nếu chúng tôi giải thích rằng, do gà Tiên Yên ăn ngon hơn thì liệu có thuyết phục được mọi người, vì khẩu vị của mỗi người một khác.
Lời góp ý của đối tác khiến cho vị lãnh đạo huyện Tiên Yên có nhiều suy nghĩ trăn trở. Nếu như mình đơn thuần chạy theo thị trường giá thành rẻ thì người dân sẽ nuôi ẩu, chỉ với mục đích sao cho gà mau lớn, sẽ khiến gà giảm chất lượng thịt, ảnh hưởng cả đến VSATTP. Nhưng để cạnh tranh lành mạnh thì không thể đơn thuần cứ đi theo lối mòn cũ, cần phải đổi mới ngay cả trong cách nuôi và cách chế biến gà.
Một trong những nơi đã đổi mới trong cách nuôi gà là ở xã Hải Lạng, nơi có nhiều khu rừng ngập mặn và gà được nuôi dưới tán rừng ngập mặn. Qua tìm hiểu được biết, Hải Lạng có 11 hộ nuôi gà ven bãi biển, đặc biệt các hộ nuôi cũng không cần vây lưới chuồng trại, vì gà được nuôi gần như sống biệt lập bên bãi biển mà phía trên là rừng đồi tự nhiên của các hộ, để gà thoải mái leo trèo kiếm ăn. Đi cùng cán bộ xã Hải Lạng, chúng tôi đến thăm cơ sở chăn nuôi của anh Lý Việt Phúc tại thôn Bình Minh. Anh Phúc sở hữu cả một khu đất rộng mênh mông gồm 8ha bãi biển và 7,8ha đồi. Điều đặc biệt là với diện tích đồi lớn như thế, nhưng anh Phúc đã không chặt bỏ cây tự nhiên đi để trồng keo như các hộ được giao rừng khác, mà anh giữ nguyên diện tích rừng đồi tự nhiên để nuôi gà.
Anh Phúc nuôi gần 20.000 con gà/năm, với số lượng gà khổng lồ như thế nhưng vào dịp Tết anh vẫn không đủ bán cho các nhà hàng, bởi ngay ngày thường cũng có siêu thị lớn ở TP Hà Nội đã đặt mua của gia đình anh số lượng lớn gà thương phẩm lên tới 1.500 con gà/tháng. Tuy cơ sở chăn nuôi của anh Phúc nằm ở rất xa khu dân cư, nhưng xem ra chuyện tiêu thụ gà không khiến anh Phúc lo lắng. Vào dịp Tết, không chỉ các siêu thị mà các đơn vị sản xuất của ngành than cũng đến tìm anh để mua gà, làm quà Tết cho người lao động đơn vị họ.
Số lượng gà anh Phúc nuôi nhiều gấp hàng chục lần các hộ khác trên địa bàn mà anh vẫn "bình chân như vại" bởi anh nuôi gà vừa chạy đồi, lại vừa kiếm ăn dưới tán rừng ngập mặn. Phía dưới chân những đồi rừng tự nhiên là những bãi biển có các khu rừng cây ngập mặn, là nơi sinh sống của nhiều loại cáy, còng, tôm, tép, cá nhỏ. Khi nước triều cạn, để lại trên bãi nhiều sản vật tự nhiên do nước biển đưa vào, trở thành thức ăn cho gà. Anh Phúc bảo: Gà được nuôi ngoài bãi biển rất khỏe mạnh, ít dịch bệnh và lớn nhanh hơn gà chỉ được nuôi trên cạn. Vì mỗi khi nước triều lên xuống, bãi biển được rửa sạch và nước biển có khả năng sát trùng cao, diệt đi nhiều loại vi khuẩn có hại, giúp cho đàn gà khỏe mạnh.
Khi gà đi kiếm ăn hàng ngày giúp cho cơ thể chúng săn chắc, thịt đậm đà hơn. Mặt khác, khi gà được chăn thả tự nhiên, chúng sẽ tự đi kiếm thức ăn, từ đó giảm đáng kể số tiền đầu tư thức ăn của anh Phúc hàng năm cho đàn gà so với các hộ cùng nuôi gà nhưng chỉ nuôi nhốt. Còn gà của anh bán ra thị trường có giá cạnh tranh hơn, thu hút khách hàng hơn.
Phát triển đàn gà thảo dược
Trong chăn nuôi, để phòng chống dịch bệnh cho gà, nhiều hộ chăn nuôi còn lạm dụng thuốc kháng sinh khiến người tiêu dùng lo lắng. Vậy là một vấn đề đặt ra, làm sao không cần thuốc kháng sinh, nhưng con gà vẫn khỏe mạnh, để nâng chất lượng thịt gà và an toàn cho người tiêu dùng.
Tiên Yên có diện tích rừng rất lớn, trong đó có những cánh rừng trồng quế. Trên toàn huyện có 7 xã trồng quế với tổng diện tích là 857,31ha, đa phần ở các xã Đại Dực, Hà Lâu, Phong Dụ. Trong đó, quế trồng nhiều nhất ở xã Đại Dực là 400,99ha, chiếm 46,8% tổng diện tích trồng quế trong huyện. Vỏ quế từ lâu đã được coi là loại thuốc tự nhiên. Tiên Yên còn có nhiều loài cây hoang dã như cây đơn kim mọc tự nhiên rải rác ở nhiều khu vực trên địa bàn, đây là nguồn thảo dược lớn để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi gà.
Từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2024, huyện Tiên Yên đã có Đề án Ứng dụng khẩu phần thức ăn bổ sung thảo dược nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi gà Tiên Yên thương phẩm. Đề án được thực hiện giữa huyện Tiên Yên và đại diện nhóm nghiên cứu thực hiện đề án của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, do UBND huyện làm chủ đầu tư. Qua đó, 100 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện được chọn từ các cơ sở có diện tích chăn nuôi lớn từ hơn 3.000m2 - 8.000m2 và chăn nuôi hàng nghìn con gà/cơ sở, tham gia thử nghiệm ban đầu. Dự án được thực hiện bằng cách nghiền nhỏ quế thành bột trộn lẫn vào thức ăn cho gà với tỷ lệ 2%, áp dụng cho gà từ 13 tuần tuổi trở lên. Kết quả sau 1 năm thử nghiệm, theo Phòng NN&PTNT huyện thì gà được nuôi từ phương pháp này có khả năng kháng bệnh tốt hơn, ít mắc bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa, gà nhanh lớn hơn, gà đã giảm được lượng mỡ nhưng vẫn giữ được mùi vị thơm đặc trưng của gà Tiên Yên, lại giảm chi phí về thuốc kháng sinh, người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng thịt gà.
Cuối tháng 12/2024, “Dự án Ứng dụng khẩu phần thức ăn bổ sung thảo dược nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi gà Tiên Yên thương phẩm”, đã được UBND huyện Tiên Yên và đại diện nhóm nghiên cứu thực hiện đề án của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức thẩm định. Tại đây, Đề án đã được các đại biểu đánh giá cao tính khả thi và đưa ra kết luận, có thể triển khai thử nghiệm, nhân rộng. Các thành viên Hội đồng thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu đánh giá, kết quả 100% phiếu đồng ý đánh giá đề án đạt nhiệm vụ đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vi Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, đề nghị đơn vị chủ trì nhanh chóng hoàn thiện đề án trên cơ sở tham vấn của đại diện phản biện để đề án có thể áp dụng triển khai, nhân rộng trên địa bàn huyện. Đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện đăng ký kết quả nghiên cứu minh chứng với Sở KHCN tỉnh Quảng Ninh để sớm cấp chứng nhận khoa học, trên cơ sở đó đơn vị chủ trì thực hiện bàn giao kết quả nghiên cứu đề án cho chủ đầu tư để triển khai, nhân rộng. Thời gian tới, các xã cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động áp dụng đề án vào thực tiễn để nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi đối với gà Tiên Yên thương phẩm trên địa bàn huyện, nâng cao thu nhập cho người dân.
Như vậy, từ Tết Ất Tỵ năm 2025 trở đi, trên mâm cỗ của các thực khách trung thành với gà Tiên Yên, món gà giờ đây đã "thay da đổi thịt" nhưng vẫn giữ nguyên hương vị gà Tiên Yên, lại có phần đậm đà hơn và đặc biệt gà khỏe mạnh tự nhiên, không bị lạm dụng thuốc kháng sinh.
Ý kiến ()