Thách thức mới từ các thị trường xuất khẩu nông sản
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 tỷ USD. Tuy nhiên các ngành hàng nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi mới đây nhiều thị trường liên tiếp đưa ra những thay đổi về quy định đối với hàng nông sản xuất khẩu, yêu cầu các địa phương, người sản xuất, doanh nghiệp phải nhanh chóng cập nhật và tuân thủ.
Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), trong tháng cuối năm 2024, đã có 128 thông báo dự thảo và thông báo có hiệu lực về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, trong đó có 98 thông báo dự thảo lấy ý kiến và 30 thông báo có hiệu lực.
Nhiều thị trường lớn ra quy định mới
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, thị trường Mỹ quy định chấm dứt sử dụng các sản phẩm chứa chlorpyrifos; đề xuất bỏ quy định mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL) của chlorpyrifos trong một số sản phẩm; kiến nghị sửa đổi quy định về phụ gia thực phẩm; quy định về dung sai thuốc bảo vệ thực vật cyazofamid.
Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), tổ chức này đưa ra Quy định số 2019/627 về các biện pháp thực hiện kiểm soát chính thức đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật dùng làm thực phẩm; thay đổi mức dư lượng tối đa đối với chlorpropham, fuberidazole, ipconazole, methoxyfenozide, S-metolachlor và triflusulfuron, dimoxystrobin, ethephon và propamocarb trong hoặc trên một số sản phẩm; đề xuất thay đổi mức MRL đối một số hóa chất nông nghiệp trong thực phẩm. Thị trường Australia, New Zealand đưa ra đề xuất sửa đổi Phụ lục 20 của Bộ luật Tiêu chuẩn thực phẩm Australia-New Zealand; sửa đổi Tiêu chuẩn sức khỏe nhập khẩu đối với lưu giữ sản phẩm thực vật phục vụ tiêu dùng cho con người; mức dư lượng tối đa đối với các hợp chất nông nghiệp...
Thị trường Hàn Quốc đưa ra thông báo thông số kỹ thuật đề xuất cho acrylamide trong thực phẩm. Thị trường Vương quốc Anh đưa ra thông báo về sửa đổi quy định về kiểm soát chính thức (sức khỏe thực vật, tần suất kiểm tra) năm 2022 và các sửa đổi pháp lý để bảo đảm các biện pháp kiểm soát động vật và sản phẩm động vật tại biên giới hoạt động hiệu quả; thay đổi mức dư lượng tối đa đối với hoạt chất propamocarb, fenazaquin, sulfoxaflor, isoflucypram... Thị trường Nhật Bản đưa ra thông báo sửa đổi Nghị định về Quy chuẩn thức ăn chăn nuôi và phụ gia thức ăn chăn nuôi.
Thị trường Indonesia ra thông báo thẩm quyền hướng dẫn và kiểm soát cấp Giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng và an toàn cho các sản phẩm thủy sản tại Indonesia; dự thảo Quy định của cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Indonesia liên quan đến bao bì thực phẩm; dự thảo Quy định của cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia về giới hạn dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… luôn là những thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam. Ngoài ra nhiều thị trường tiềm năng như Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Australia…, đã góp phần quan trọng vào giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, xuất siêu đạt 17,9 tỷ USD trong năm 2024.
Đây cũng là những thị trường thường xuyên có thay đổi về quy định mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tần suất kiểm tra hàng nông sản nhập khẩu... Do đó, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm xuất khẩu đến các thị trường này cần chủ động nắm bắt thông tin và có điều chỉnh phù hợp.
Chuyển đổi sang sản xuất xanh
Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết: Việc EU đưa ra các quy định mới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, bảo đảm tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chứng nhận bền vững. Cụ thể như tại thị trường Thụy Điển, xu hướng tiêu dùng bền vững đang ngày càng chiếm ưu thế.
Thụy Điển là nhà nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ lớn thứ 6 tại châu Âu và phải nhập khẩu hơn 50% rau quả hữu cơ, trong đó chuối là sản phẩm tiêu biểu. Đây là thị trường tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi các nhà xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Fairtrade (thương mại công bằng) và các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên phát triển mạnh sản phẩm hữu cơ; kết nối với các nhà nhập khẩu lớn như: Dole/Everfresh, ICA và Ewerman thông qua các triển lãm thương mại như Fruit Logistica và Fruit Attraction. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần cải thiện chuỗi cung ứng theo hướng bền vững, bao gồm việc sử dụng các phương thức vận chuyển thân thiện với môi trường, tối ưu hóa đóng gói và phân phối sản phẩm nhằm giảm khí thải phát sinh, tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố môi trường và lựa chọn sản phẩm có cam kết bảo vệ hệ sinh thái.
Trong khi đó, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện nhiều mặt hàng nông sản có kim ngạch tỷ đô của Việt Nam đang được xuất khẩu ngày càng nhiều vào các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc... cho nên việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm là điều quan trọng hàng đầu để giữ vững thị phần. Đơn cử như với mặt hàng cà-phê, hạt điều, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh đều tăng trong năm 2024 và thị phần của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của các nước này luôn ở mức cao.
Đối với mặt hàng rau quả, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 39,8%; Hàn Quốc tăng 39,6%; Nhật Bản tăng 15,3%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 10,9%; Australia tăng 25,9%... Tuy nhiên, thách thức đối với ngành hàng rau quả hiện nay là chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế như: Sản phẩm dễ bị nhiễm hóa chất, vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do quy mô sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến chất lượng không đồng đều hoặc thiếu các thông tin về thị trường nên khó khăn trong việc áp dụng thực hiện những tiêu chuẩn quy định của các nước nhập khẩu.
Do đó, để tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tiếp cận và đáp ứng đáp ứng tốt nhất những thay đổi về quy định nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường trọng điểm.
Ý kiến ()