Sẻ chia, gắn kết yêu thương
Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của Việt Nam, cũng là ngày lễ lâu đời nhất, quan trọng nhất và mang đậm bản sắc dân tộc. Là ngày lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Tết cũng là dịp để nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và sum họp gia đình với nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Hơn thế nữa, Tết còn là dịp người Việt sẻ chia, gắn kết yêu thương.
Ngày 22/12, một sự kiện nhân văn thu hút sự quan tâm của người dân cả nước đó là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Cách đây hơn 3 tháng, do ảnh hưởng của bão Yagi, thôn Làng Nủ tan hoang với 95 người chết và mất tích. Khi thị sát khu vực sạt lở, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ thị các cấp ủy, chính quyền, lực lượng quân đội khẩn trương khảo sát địa điểm an toàn khôi phục thôn Làng Nủ chậm nhất xong trước 31/12/2024.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị cùng chăm lo công tác an sinh xã hội ổn định cuộc sống cho bà con. Khu tái thiết dân cư thôn Làng Nủ đã được hoàn thành nhanh chóng. Sau 68 ngày đêm thi công xây dựng, 40 căn nhà dành cho người dân tại thôn Làng Nủ đã hoàn thành cùng với 2 điểm trường, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và cơ sở hạ tầng đã được hoàn tất. Tết này, người dân Làng Nủ đã có thể vơi bớt nỗi buồn, an tâm đón Tết trong những ngôi nhà mới theo đúng lời hứa của người đứng đầu Chính phủ.
Với Quảng Ninh, Tết Ất Tỵ này cũng là cái Tết đặc biệt. Chỉ hơn 3 tháng trước, bão Yagi đã ập vào gây nên những thiệt hại vô cùng nặng nề đến cơ sở hạ tầng, tài sản và cuộc sống của người dân. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 25/12/2024, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tổ chức Tết Ất Tỵ 2025. UBND tỉnh ngày 26/12/2024 đã ban hành Kế hoạch số 300/KH-UBND về tổ chức các hoạt động Tết Ất Tỵ 2025. Một trong những nội dung đầu tiên là tỉnh chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", truyền thống văn hóa, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của Quảng Ninh, đẩy mạnh thực hiện các chương trình giảm nghèo, xoá nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động, tích cực thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, huy động sự tham gia của toàn xã hội cùng chung tay tích cực chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo tiêu chí mới của tỉnh), nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, người lao động bị mất việc làm, không để bỏ sót đối tượng, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết. Tổ chức tốt, chu đáo việc thăm hỏi, động viên, chúc Tết đối với cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, các đơn vị lực lượng vũ trang, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn…
Được biết, tới thời điểm này, ngoài kế hoạch của tỉnh, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức Tết Ất Tỵ, kế hoạch thăm, tặng quà các đối tượng chính sách. Nhiều tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ thiện nguyện đã xây dựng các chương trình mang Tết đến với những hoàn cảnh khó khăn. Một cái Tết sẻ chia, Tết yêu thương, mang xuân đến với mọi nhà.
Ý kiến ()