Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu
Việc điều chỉnh giá xăng, dầu luôn tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt đời sống xã hội. Vì vậy, quản lý chặt chẽ mặt hàng này, xử lý nghiêm hành vi găm trục lợi sẽ góp phần bình ổn thị trường, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những lần điều chỉnh gần đây, giá xăng, dầu liên tục được điều chỉnh tăng. Như lần điều chỉnh gần đây nhất, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo hướng tăng hầu hết mặt hàng. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 377 đồng/lít, lên 21.873 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 412 đồng/lít, lên 22.756 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 287 đồng/lít, lên 25.070 đồng/lít; dầu hỏa tăng 120 đồng/lít, giá bán ra là 23.783 đồng/lít.
Điều mà người dân dễ nhận thấy thời gian gần đây là trước mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu là nhiều cây xăng ở một số tỉnh, thành trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… lại xảy ra hiện tượng tạm dừng bán hoặc chỉ bán cầm chừng theo định mức, căng biển "hết xăng, còn dầu" hoặc “hết xăng chờ nhập hàng”, nhiều cây xăng đóng cửa "chờ nhập hàng"...
Việc một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng, dầu tại các địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, tác động đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, việc một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh, hoặc bán hàng với số lượng hạn chế gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp chặt chẽ với sở công thương và lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình, yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng theo nội dung giấy xác nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn. Các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ một số thương nhân được miễn trừ theo quy định.
Riêng đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với sở công thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù là bất kể thương nhân ở loại hình nào. Chỉ thị cũng nêu rõ, thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng, dầu.
Có thể thấy, việc thời gian qua nhiều cây xăng tại một số địa phương trong cả nước ngừng bán hoặc bán cầm chừng theo định mức đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT là rất cần thiết, kịp thời nhằm tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu, đảm bảo thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về kinh doanh xăng dầu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bán hàng, tạo khan hiếm xăng dầu trên địa bàn để trục lợi.
Ý kiến ()