Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ
Xác định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, các cấp, các ngành của Quảng Ninh đã tăng cường công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ.
Mặc dù vậy, hiện nay công tác PCCC đối với các chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình hình cháy trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ cháy chợ, cơ sở kinh doanh gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Điển hình là tối ngày 16/9, chợ Cửa Ông, TP Cẩm Phả đã xảy ra sự cố cháy tại khu vực quầy hoa quả phía cổng phụ. Chỉ vài phút sau khi phát hiện đám cháy, lực lượng chữa cháy tại chỗ của Ban Quản lý chợ và quần chúng nhân dân đã có mặt kịp thời và dùng các thiết bị sẵn có dập tắt hoàn toàn đám cháy, do đó thiệt hại không đáng kể. Thế nhưng, có một số vụ cháy đã gây thiệt hại nặng nề cho các tiểu thương và chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đó là vụ cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa ô tô Tuấn Hưng, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà vào hồi 8h45’ ngày 17/11/2023. Theo thống kê, thiệt hại sơ bộ ban đầu gồm 250m2 diện tích nhà xưởng (khung thép mái tôn); 5 xe ô tô (2 xe 4 chỗ, 1 xe bán tải, 1 xe 7 chỗ, 1 xe 9 chỗ) đang sửa chữa tại nhà xưởng và các thiết bị máy móc phục vụ việc sửa chữa. Cùng với đó, vụ cháy tại dãy ki ốt ngoài nhà chợ chính thuộc Chợ Cột 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long vào hồi 1h10’ ngày 22/11/2023, gây thiệt hại toàn bộ tài sản và hàng hóa trong 8 ki ốt kinh doanh.
Hiện nay, đang là thời điểm hanh khô, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao; để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại gây ra, UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Quảng Ninh tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá toàn bộ thực trạng công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, công tác quản lý trật tự xây dựng, công tác bảo đảm an toàn điện... đối với các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa xe ô tô trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng giao thông, nguồn nước phục vụ công tác PCCC trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, lộ trình giải quyết các tồn tại, hạn chế về công tác này để đáp ứng yêu cầu công tác PCCC trong tình hình mới. Trong đó, ưu tiên triển khai lắp đặt trụ nước chữa cháy đô thị tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như: Chợ, trung tâm thương mại, chung cư, nhà cao tầng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu và cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa xe ô tô gần các các khu dân cư; khu dân cư có nhiều nhà liền kề kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ; khu dân cư tập trung đông người mà xe chữa cháy khó có thể tiếp cận được...
Để đảm bảo an toàn cho nhân dân, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Công an tỉnh xây dựng phương án bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ bảo vệ an toàn ngày lễ Noel, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các địa điểm tổ chức các sự kiện tập trung đông người... Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ duy trì nghiêm túc công tác trực ban, trực chỉ huy, thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chủ động phương án, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trên địa bàn.
Ý kiến ()