
Tâm huyết của nhân dân góp phần hoàn thiện Hiến pháp
Việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước, thu hút sự quan tâm sâu sắc từ mọi tầng lớp nhân dân. Tại Quảng Ninh, tinh thần trách nhiệm và ý thức làm chủ của người dân tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, thể hiện qua những ý kiến tâm huyết, thiết thực góp phần hoàn thiện đạo luật gốc của quốc gia.
Theo kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và chỉ đạo của Chính phủ, việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được tiến hành trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 6/5 và hoàn thành vào ngày 5/6/2025.
Ngày 6/5/2025 Tỉnh ủy có Công văn số 2674-CV/TU về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong đó yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp trên địa bàn về dự thảo nghị quyết với các hình thức đa dạng, thích hợp, linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với thực tế ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý.
Hiện nay, các hình thức lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp bao gồm: Góp ý trực tiếp trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an; góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội và Chính phủ; gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến. Tại 13 địa phương trên địa bàn tỉnh những ngày qua, các đợt sinh hoạt chính trị lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Hiến pháp luôn thu hút sự quan tâm rộng rãi. Từ người công nhân ngành than, bà con nông dân, đến cán bộ hưu trí, học sinh, sinh viên… đều thể hiện trách nhiệm công dân thông qua việc nghiên cứu, thảo luận, đóng góp những ý kiến thiết thực.
Ông Nguyễn Huy Lịch (tổ 6, khu 1B, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) chia sẻ: Tôi rất xúc động khi được mời tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đây là minh chứng cho thấy tiếng nói của người dân được lắng nghe, được tôn trọng. Chúng tôi mong muốn Hiến pháp sửa đổi lần này tiếp tục khẳng định rõ quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy công cuộc phòng, chống tham nhũng, bảo vệ quyền con người, bảo đảm công bằng xã hội...
Bà Chíu Sám Múi (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) cho biết: Tôi mong Hiến pháp sửa đổi chú trọng hơn tới chính sách đào tạo, thu hút người DTTS học lên cao, làm việc tại địa phương. Đồng thời, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn để phát huy vai trò phụ nữ DTTS trong tổ chức chính quyền. Qua việc lấy ý kiến rộng rãi sửa đổi Hiến pháp, có thể thấy rõ tinh thần dân chủ, cầu thị của Nhà nước trong việc tiếp thu ý kiến nhân dân. Hàng triệu lượt ý kiến từ các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng trí thức... đã được tập hợp, phân tích và tiếp thu. Mỗi ý kiến, dù nhỏ, đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm công dân và mong muốn xây dựng một bản Hiến pháp sát thực tiễn, phản ánh đầy đủ lợi ích chính đáng của người dân.

Đặc biệt, vai trò của công nghệ thông tin đã và đang phát huy mạnh mẽ trong việc phổ biến dự thảo, thu thập ý kiến, tăng cường sự tiếp cận của người dân với các vấn đề pháp lý vốn được coi là khó tiếp cận. Nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ đã tham gia góp ý thông qua các nền tảng số, thể hiện tư duy mới, quan điểm đổi mới về các vấn đề lớn như chuyển đổi số, kinh tế xanh, đổi mới giáo dục, quyền tiếp cận thông tin...
Nguyễn Văn Tuấn, sinh viên Trường Đại học Hạ Long cho biết: Chúng em mong Hiến pháp sửa đổi sẽ làm rõ hơn vai trò của thanh niên, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khởi nghiệp, chuyển đổi số và tham gia quản lý xã hội. Bên cạnh đó là quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu đạt chính kiến. Chúng em không chỉ muốn được học, mà còn muốn được lắng nghe và góp phần thay đổi xã hội bằng trí tuệ, nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Không thể phủ nhận rằng, chính từ quá trình dân chủ này, những điểm không còn hợp lý đối với tình hình hiện nay trong Hiến pháp hiện hành sẽ được nhận diện và đề xuất sửa đổi kịp thời. Mỗi góp ý là một viên gạch xây nên nền móng vững chắc cho nhà nước pháp quyền hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Việc để người dân trực tiếp tham gia vào quá trình sửa đổi Hiến pháp thể hiện một bước tiến lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Những đóng góp tâm huyết của người dân không chỉ là biểu hiện sinh động của sự dân chủ, mà còn là minh chứng cho niềm tin, kỳ vọng của toàn dân vào một tương lai tốt đẹp, công bằng, văn minh và phát triển.
Ý kiến ()