“Sức mạnh mềm” của báo chí góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt phát triển
Có thể nói, các cơ quan truyền thông báo chí Việt Nam đã cho thấy "sức mạnh mềm" qua những đóng góp tích cực đối với sự phục hồi và phát triển du lịch nước nhà nhanh, bền vững thời gian qua.
“Thời gian qua, báo chí đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của du lịch. Những chủ trương, chính sách về phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước cùng nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm mới, liên kết tour tuyến đều được báo chí truyền tải mạnh mẽ, tăng sức hút của du khách đối với điểm đến,” Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đã nhận định như vậy trong khuôn khổ hội nghị Báo chí đồng hành cùng Du lịch Việt Nam do Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức ngày 15/1, tại Hà Nội.
Lãnh đạo ngành khẳng định chính sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan báo chí đã góp phần để du lịch nước nhà nhanh chóng phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt được kết quả như kỳ vọng và mục tiêu đề ra.
Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng
Luôn sát cánh cùng các hoạt động của Cục Du lịch Quốc gia, năm 2024, Câu lạc bộ Nhà báo Du lịch Việt Nam đã tổ chức truyền thông kịp thời, hiệu quả cho Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM) 2024; MICE Expo 2024; thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới; tổ chức nhiều tuyến bài tuyên truyền phổ biến tổng kết Nghị quyết 08/NQ-TW và Luật Du lịch; năm Du lịch quốc gia Điện Biên…
Theo ông Phạm Văn Thủy, thời gian qua những chủ trương, chính sách về phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước cùng nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm mới, liên kết tour tuyến đều được báo chí truyền tải mạnh mẽ, tăng sức hút của du khách đối với điểm đến.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đã đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa. Mục tiêu trong năm 2025 là ngành du lịch kỳ vọng sẽ đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế.
Muốn đạt được kết quả này, lãnh đạo ngành cho rằng các đơn vị cần đầu tư nhiều hơn nữa để xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, quảng bá thương hiệu du lịch. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tuyên truyền.
Nhìn lại năm 2024, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng kể từ sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt đang vươn lên mạnh mẽ. Song trên thực tế, ngành vẫn còn có một số chỉ tiêu chưa đạt được như kỳ vọng.
Nhận định quá trình phục hồi nền du lịch không dễ dàng, do vậy theo ông Vũ Thế Bình các đơn vị, bộ phận và địa phương phải cùng bắt tay để phối hợp thực hiện; trong đó, công tác truyền thông cần được chú trọng hơn cả.
“Phát triển du lịch cần có sự chung tay, liên kết của các ngành, địa phương. Trong công tác tuyên truyền, cần làm tốt việc cập nhật thông tin về bản đồ toàn thế giới, đồng thời tích cực quảng bá vị thế, thương hiệu du lịch Việt trên toàn cầu,” ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong năm 2025, Hiệp hội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ: Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp du lịch; tập trung chuẩn bị và tổ chức các sự kiện, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới; đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; thúc đẩy phát triển du lịch xanh, điểm đến xanh; hoạt động hợp tác quốc tế và các hoạt động khác...
“Sức mạnh mềm” của truyền thông báo chí với du lịch
Đánh giá đúng sức mạnh và vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông, báo chí đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam, từ năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo du lịch. “Sân chơi” này nhằm cung cấp thông tin khách quan đa chiều, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch nước nhà để góp phần nâng cao sức hấp dẫn, năng lực cạnh tranh cho toàn ngành.
Theo đó, thành viên Câu lạc bộ là các nhà báo, phóng viên và những người làm công tác thông tin trong lĩnh vực du lịch. Những ngày đầu ra mắt, Câu lạc bộ có 22 hội viên. Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Câu lạc bộ đã hoạt động tích cực, không ngừng phát triển và mở rộng quy mô trên toàn quốc.
Năm 2024, Câu lạc bộ được đổi tên thành Câu lạc bộ Nhà báo du lịch Việt Nam. Hiện Câu lạc bộ có 65 hội viên chính thức tại Hà Nội và 3 nhóm hoạt động trên cả nước bao gồm 38 hội viên ở Thành phố Hồ Chí Minh, 48 hội viên ở Đà Nẵng và 33 hội viên ở thành phố Nha Trang.
Có thể nói Câu lạc bộ Nhà báo du lịch Việt Nam nói riêng, các cơ quan báo chí nói chung đã cho thấy những đóng góp tích cực và sức mạnh của truyền thông báo chí đối với phát triển du lịch nước nhà nhanh, bền vững.
Những đóng góp đó là việc đăng tải tin bài tuyên truyền, phổ biến những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch; truyền thông điểm đến, các sản phẩm du lịch nổi trội, khác biệt, có khả năng cạnh tranh cao, mang thương hiệu quốc gia, các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch; tuyên truyền, lan tỏa kinh nghiệm hình thành, đưa vào hoạt động các mô hình, các điển hình thành công tiêu biểu trong phát triển du lịch và nhiều hoạt động truyền thông khác…
Ý kiến ()