Sẽ xử phạt hành vi không phân loại rác từ nguồn
Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 7/7/2022) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, kể từ ngày 1/1/2025, hộ gia đình và cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Chế tài xử phạt này góp phần thúc đẩy người dân thay đổi hành vi, tăng tính răn đe trong xã hội đối với người không tuân thủ.
Khoản 1 Điều 75, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc, như: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Cụ thể, nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện và điện tử thải bỏ); nhóm 2 là chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, thực phẩm quá hạn sử dụng, chất thải từ quá trình sơ chế thực phẩm); nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh và chất thải khác còn lại).
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại, phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý theo hướng: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Ghi nhận việc thực hiện Nghị định tại TP Hạ Long, nhiều người dân đã hình thành thói quen phân loại rác thải sinh hoạt từ lâu và cũng nắm được những quy định phân loại rác thải. Ông Mai Văn Thư (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) cho biết: Gia đình tôi từ lâu đã thực hiện phân loại các loại rác trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác từ hộ gia đình nhưng khi mang ra nơi tập kết, công nhân thu gom rác lại thu dọn chung vào xe rác để đưa về nơi xử lý. Tôi nhận định việc phân loại này vẫn có những bất cập và cần phải được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng.
Ông Lê Phương Yên (tổ 84, khu 5, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) chia sẻ: Tôi được biết việc thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình đã được thực hiện thí điểm từ 2 năm nay. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2025 sẽ áp dụng hình thức xử phạt đối với những người vi phạm quy định này. Đến nay, nhiều người dân cũng chưa biết việc phân loại rác thải như thế nào cho đúng, cho chuẩn và cách thức ra làm sao. Và nhất là cơ quan nào có trách nhiệm xử phạt, với hình thức xử phạt như thế nào. Tôi mong muốn, để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp theo đúng phương hướng, chỉ đạo, chính quyền các cấp triển khai tuyên truyền sâu rộng về Nghị định để người dân nắm bắt được và thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) cho biết: Từ năm 2022, ngay khi có chủ trương chỉ đạo, phường triển khai hệ thống văn bản để triển khai. Trên địa bàn cũng đã có các mô hình, cách làm triển khai hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn, do việc phân loại đã được người dân thực hiện nhưng việc thu gom vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Thời gian tới, phường tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các khu dân cư để thực hiện. Đồng thời, mong các cấp, ngành chức năng có phương án xử lý, thu gom rác thải hợp lý nhằm thực hiện hiệu quả Nghị định.
Việc thực hiện Nghị định 45/2022/NĐ-CP mặc dù đã được triển khai từ năm 2022, nhưng tới nay vẫn chưa đạt được kết quả khả quan, do việc việc thu gom, xử lý rác thải sau phân loại vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Trần Văn Tâm, Trưởng Chi nhánh Hạ Long, Công ty CP Môi trường Tuấn Đạt, cho biết: Nghị định 45/2022/NĐ-CP được Công ty chú trọng thực hiện, tuy nhiên cũng gặp phải khó khăn nhất định, như ý thức phân loại rác của người dân chưa cao; chưa có chỗ tập kết từng loại rác riêng; phải đầu tư thêm nhân công, trang thiết bị để phân loại, thu gom rác… Thời gian tới, đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện phân loại rác thải ngay trong quá trình thu gom. Đồng thời, mong muốn các cấp, ngành chức năng quy hoạch được các điểm phân loại rác để việc tập kết, xử lý từng loại rác thải được thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Có thể thấy, cộng đồng dân cư là nơi truyền tải thông tin hiệu quả nhất. Khi mỗi thành viên trong cộng đồng hiểu rõ về tác hại của rác thải, lợi ích của việc phân loại và các phương pháp phân loại đúng cách, thì việc tự giác tham gia của người dân sẽ được nâng cao. Từ đó, có thể tạo ra những hoạt động, những phong trào để khuyến khích cộng đồng hình thành thói quen phân loại rác đúng nơi quy định. Cộng đồng phát huy tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung, sự sáng tạo và duy trì các sáng kiến gắn với địa bàn đối với công tác bảo vệ môi trường. Các thành viên trong cộng đồng có thể tự tổ chức để giám sát việc thực hiện phân loại rác của từng hộ gia đình, từng cơ sở sản xuất như thành lập các đội tự quản, xây dựng các quy định chung và có các biện pháp nhắc nhở, răn đe các trường hợp vi phạm. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả phân loại chất thải trong sinh hoạt, góp phần giữ gìn vệ sinh và đảm bảo môi trường sống lành mạnh trong xã hội.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hiện nay tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày. Về hiện trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cả nước có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở (chiếm 21,96%); cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn/phân hữu cơ 30 cơ sở (chiếm 1,94%); cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt 1.178 cơ sở (chiếm 76,10%), trong đó nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.
|
Ý kiến ()