
Saros Z70 là mẫu robot hút bụi lau nhà cao cấp nhất của Roborock, được bán giá 37 triệu đồng. Cùng với L40 Ultra của Dreame, đây là hai sản phẩm đắt nhất trên thị trường hiện nay.
Thiết kế dock sạc không khác biệt "đàn em" Saros 10R với kích thước nhỏ gọn, mặt trước được làm dạng gương dễ hòa nhập với không gian nội thất khác nhau. Tuy nhiên, lớp hoàn thiện bóng bẩy này dễ bám bụi và vân tay.


Thiết kế hộp đựng nước sạch và bẩn dạng mô đun mở giúp thay nước nhanh và tiện hơn các đối thủ. Hai bình đựng nước có tổng dung tích 4,5 lít, khay đựng dung dịch rửa sàn 580 ml và túi rác 4 lít đủ sử dụng trong vòng ba tháng. Máy tự động điều chỉnh lượng dung dịch cần thiết cho mỗi lần hoạt động.


Phần đế giặt giẻ có thêm tay gạt, bên cạnh bàn chà giúp làm sạch tốt hơn trước. Dock sạc cũng trang bị đầy đủ tính năng như vệ sinh dock bằng nước nóng, sấy khô bằng khí nóng, tự động đổ bụi và châm nước lau sàn. Phần giẻ lau có thể tự động tháo để robot hút bụi thảm, tránh giẻ làm bẩn đối với những tấm thảm dày. Dock sạc cũng tự nhận diện độ bẩn của giẻ để điều chỉnh chế độ làm sạch.

Roborock vẫn sử dụng công nghệ StarSight 2.0, kết hợp giữa laser và cảm biến kép để tạo ra bản đồ 3D, ghi nhớ chính xác kích thước, vị trí vật thể trong nhà, cùng với cảm biến Lidar ToF 3D nhận diện đồ vật khác nhau để tránh ở một khoảng cách nhất định. Camera RGB tích hợp AI phát hiện các loại vết bẩn để điều chỉnh chu trình làm sạch phù hợp nhất.

Saros Z70 là một trong những mẫu robot hút bụi lau nhà mỏng nhất hiện nay với 7,98 cm. Cánh tay robot được giấu trong khoang chứa ở mặt trên và chiếm 10% không gian của máy. Ngoài 108 đồ vật được lập trình sẵn để nhận diện như dòng 10R, người dùng Z70 có AI để thiết lập nhận diện thêm 50 vật thể khác nhằm cá nhân hóa trải nghiệm.

Sản phẩm có lực hút 22.000 Aa cao nhất hiện nay, tương đương với các máy hút bụi cầm tay. Máy vẫn sử dụng giẻ lau dạng tròn, phần giẻ bên phải và chổi quét ở phía trên đều có khả năng vươn dài ra các góc cạnh. Hiện trên thị trường mới có Deebot X8 Pro Omni sử dụng giẻ dạng con lăn. Khả năng làm sạch của Saros Z70 còn được tăng cường nhờ giẻ lau tích hợp hệ thống cấp nước nóng tự động, giúp làm mềm các vết bẩn và làm sạch tốt hơn.

Saros Z70 không dùng hệ thống chổi kép DuoDivide như trên Saros 10R mà trang bị chổi mới FreeFlow có thêm hai dao cắt, giúp cắt vụn tóc, hay dây bị hút vào. Việc này giúp thu gom rác vào dock sạc dễ dàng hơn.
Tính năng AdaptiLift cho phép nâng hạ 3 bánh linh hoạt, robot tự động nâng hạ các bánh xe độc lập hoặc kết hợp tuỳ vào tác vụ dọn dẹp. Bên cạnh đó, các chổi chính, phụ và giẻ lau cũng có thể được nâng lên. Z70 vượt chướng ngại tốt hơn so với đàn em Saros 10R, khả năng nâng hạ cũng nhanh và mượt hơn, robot không cần dừng lại để điều chỉnh nâng hạ.

Tính năng thú vị nhất của sản phẩm là cánh tay cơ học 5 trục OmmiGrip hoạt động linh hoạt. Khi phát hiện vật cản như tất, khăn, dép, robot sẽ dừng lại và dùng cánh tay nâng đồ vật lên để tiếp tục dọn dẹp. Người dùng còn có thể thiết lập robot nhận diện một số đồ vật như rác, giày dép để Saros Z70 đặt vào các vị trí quy định. Khi thiết lập tìm kiếm đồ vật thất lạc, Saros Z70 trong lúc dọn dẹp nếu nhận thấy vật cần tìm sẽ dùng OmmiGrip để lấy vật thể ra.


Ngoài camera trang bị trên thân máy, đầu cánh tay robot cũng tích hợp camera. Nhờ đó, thiết bị có thể nhận diện chính xác vật thể và vị trí để tiến hành gắp. Trên OmmiGrip có cảm biến trọng lượng để tránh nâng vật vượt quá giới hạn 300 g. Bên cạnh khả năng tự hoạt động, người dùng có thể điều khiển cánh tay robot theo cách thủ công qua ứng dụng trên smartphone. Hiện Roborock đã hỗ trợ điều khiển thiết bị bằng giọng nói và trên cả Apple Watch. Trải nghiệm thực tế Z70 nhận diện vật thể tốt, tuỳ vật thể như khăn, tất hay dép, robot sẽ di chuyển đến vị trí tối ưu để gắp. Dù vậy thao tác gắp vẫn còn chậm hơn mong đợi.
Ý kiến ()