Quy chế phát ngôn
Truy đến tận cùng thì người phát ngôn của các nguồn tin này đều không có chức năng và nguồn tin không phải là nguồn chính thống của cơ quan hành chính nhà nước. Đây là bài học cho các cơ quan báo chí.
Để tăng cường cung cấp thông tin chính thống của cơ quan hành chính nhà nước cho báo chí và ngăn chặn việc lợi dụng thông tin báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (Ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ). Quy chế này quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước theo các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Ngoài phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ, khi thấy cần thiết phải phát ngôn và cung cấp thông tin đột xuất. Chỉ những thông tin do người phát ngôn cung cấp mới được coi là thông tin chính thống của cơ quan hành chính nhà nước. Người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí những vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn; các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Người phát ngôn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí.
Trước Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2006/NĐ-CP (ngày 6-6-2006) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin, trong đó có lĩnh vực thông tin báo chí.
Những quy định trên nhằm tăng cường tính chủ động của các cơ quan báo chí trong việc khai thác thông tin, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của công chúng. Đồng thời tăng cường trách nhiệm phát ngôn của các cơ quan hành chính nhà nước với yêu cầu của báo chí. Tăng cường cung cấp thông tin và công bố thông tin là nhằm đảm bảo hơn nữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin của công dân, theo quy định của Hiến pháp.
Ý kiến ()