Quảng Ninh quyết tâm với mục tiêu bảo vệ môi trường
Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn đặt vấn đề môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; coi môi trường là yêu cầu sống còn, điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Nhiều năm qua, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng bộ và chính quyền tỉnh quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ định hướng của tỉnh Quảng Ninh: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu".
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Mục tiêu của Nghị quyết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, các-bon thấp, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước phải gắn liền với quan điểm, định hướng phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, phát triển đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số… Đồng thời, kiên trì thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, dựa vào ba trụ cột là thiên nhiên - con người - văn hoá; xây dựng văn minh sinh thái, lấy tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm. Qua đó, góp phần xây dựng, phát triển Quảng Ninh là địa phương điển hình về thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về tiêu chí tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Mục tiêu, giải pháp trong Nghị quyết cũng nêu bật quyết tâm không thu hút đầu tư bằng mọi giá; không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để “chạy theo” tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn.
Với việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, Quảng Ninh một lần nữa khẳng định quyết tâm bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giữ vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; luôn coi bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao chất lượng sống của Nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, là mục tiêu cốt lõi, hướng tới người dân được hưởng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Ý kiến ()