Quảng Ninh khôi phục sản xuất, lao động sau bão
Mưa đã tạnh, nắng đã lên, những tuyến phố, con đường đã dần được dọn sạch; những công ty, nhà xưởng, đơn vị, doanh nghiệp... đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại trước mắt do bão số 3 gây ra, dần trở lại nhịp độ sản xuất, học tập, lao động và đời sống thường nhật.
Bão số 3 được đánh giá có cường độ mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua đổ bộ vào một số tỉnh, thành phố phía Bắc, trọng tâm là địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bão gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản, làm tê liệt trên diện rộng hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 12/9 bão số 3 đã gây tốc 78.685 mái nhà; 85 tàu du lịch, tàu cá bị chìm, trôi dạt; trên 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 5.936ha lúa, màu bị đổ, ngập úng, ảnh hưởng; 62.738ha rừng trồng bị ảnh hưởng; 264.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 852 hộ dân được di dời khỏi vùng ngập lụt...
Thực hiện chỉ đạo của trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ra Thông báo số 1329-TB/TU (ngày 11/9/2024) chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả của bão số 3; liên tiếp có các công văn về tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão... Cả hệ thống chính trị, các ngành, đơn vị, địa phương, lực lượng trong tỉnh với tinh thần khẩn trương nhất đã nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3. Đến ngày 12/9, toàn tỉnh đã đóng điện được 27/30 trạm biến áp, 137/180 đường dây trung áp; nhà mạng Vinaphone khắc phục được 94% sự cố; nhà mạng Viettel khôi phục được phổ biến kết nối đạt khoảng 80%; nhà mạng Mobiphone khắc phục sóng di động 71,2% số trạm; 537/631 cơ sở giáo dục cơ bản ổn định, tổ chức dạy học trở lại. Riêng TP Móng Cái, huyện Đầm Hà, 100% cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động giáo dục bình thường. Dự kiến đến ngày 16/9, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đảm bảo học tập bình thường.
Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đảm bảo đời sống cho nhân dân, các chợ, siêu thị, cửa hàng đã mở cửa trở lại duy trì hoạt động, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, bên cạnh khẩn trương khắc phục hậu quả của bão, đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, đưa hoạt động trở lại. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã thông quan trở lại từ ngày 8/9. Ngành Than được đảm bảo điện và mọi điều kiện cần thiết để hoạt động trở lại. Một số mỏ than trên địa bàn TP Cẩm Phả trong ngày 11/9 đã có chuyến than vận chuyển ra Công ty Tuyển Than Cửa Ông để chế biến, sàng tuyển, cung cấp cho khách hàng. Ngày 12/9 những tấn than đầu tiên sau bão được rót lên tàu, cung cấp cho khách hàng. Trên địa bàn tỉnh có 3 KCN hoạt động 100% công suất sau bão: KCN Hải Yên (TP Móng Cái), KCN Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà), KCN Việt Hưng (TP Hạ Long); KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) có 4 nhà máy tổ chức sản xuất bình thường.
Từ ngày 13/9 Vịnh Hạ Long đón khách trở lại tham quan. Trước đó TP Hạ Long đã phát động chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3. Với tinh thần hiệp lực và đồng tâm của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, mọi hoạt động trên địa bàn TP Hạ Long đã dần ổn định trở lại. Đặc biệt, các đơn vị, doanh nghiệp, tàu du lịch đã khẩn trương bảo trì, bão dưỡng, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn khôi phục hoạt động trong thời gian sớm nhất. Hiện có 359 tàu neo trú tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu; trong đó có 315 tàu sẵn sàng hoạt động. Tính đến 13 giờ ngày 13/9, khi các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long hoạt động bình thường trở lại, đã có khoảng 50 tàu du lịch đưa 1.000 lượt du khách tham quan Vịnh Hạ Long.
Đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề bởi bão số 3, tỉnh và các địa phương đã có những chia sẻ thiết thực. Tại cuộc họp với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh ngày 13/9, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu triển khai ngay chiến dịch 3 ngày làm sạch Vịnh Hạ Long để thu gom rác thải, chỉnh trang hạ tầng, thực hiện trục vớt các tàu bị chìm, huy động các tổ chức, đoàn thể cùng vào cuộc; khôi phục ngay các hoạt động tham quan, lưu trú tại các khu vực đủ điều kiện trên Vịnh Hạ Long, hoạt động vận tải chở khách du lịch ra các tuyến đảo... Tỉnh sẽ kiến nghị ngay với Chính phủ các chính sách về ngân hàng, bao gồm khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với các doanh nghiệp thiệt hại; đề nghị giảm giá điện, thuế, bảo hiểm…
Thành ủy Hạ Long tổ chức gặp gỡ, làm việc với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có doanh nghiệp du lịch, để lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế, vốn vay ngân hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay; khôi phục sản xuất... UBND huyện Vân Đồn có buổi gặp mặt động viên, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các chủ cơ sở, hộ NTTS bị ảnh hưởng lớn sau bão. Huyện cam kết luôn đồng hành với các cơ sở, người dân NTTS, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trước mắt và tạo điều kiện tối đa giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng...
Bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề chưa từng có đối với tỉnh Quảng Ninh. Để khắc phục được hoàn toàn, tỉnh cần thêm nhiều thời gian, nhất là hoàn lưu bão vẫn còn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khó lường. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động trước mọi tình huống; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhanh chóng bắt nhịp sản xuất, lao động, học tập sau bão số 3... Với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, những khó khăn đó chắc chắn sẽ được người dân Vùng mỏ vượt qua.
Ý kiến ()