Quảng Ninh – Hải Dương – Bắc Giang triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng
Ngày 22/1, tại tỉnh Quảng Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa các tỉnh Quảng Ninh – Hải Dương – Bắc Giang. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang; Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương chủ trì hội nghị.
Trong những năm qua, Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác phát triển trên một số lĩnh vực trọng tâm, có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Nổi bật là đã phối hợp, hợp tác phát triển liên kết vùng với các tỉnh để triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt đã thống nhất đầu tư xây dựng dự án Cầu Triều, đường dẫn hai đầu cầu và các công trình trên tuyến đường trục Bắc - Nam tỉnh Hải Dương để kết nối giao thông thông suốt từ Quốc lộ 5 (tỉnh Hải Dương) đến QL18 (tỉnh Quảng Ninh). Các tỉnh đã nỗ lực hợp tác, giao lưu phát triển văn hoá, đặc biệt là khai thác tiềm năng, giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của mỗi địa phương, nhất là giá trị có một không hai của Yên Tử - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam. Trong đó bao gồm Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương). Từ đó, hình thành một không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng không chịu sự chia cắt của địa giới hành chính. Hiện nay, các tỉnh đã phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, các tỉnh đã phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời để triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã cử nhiều đoàn y, bác sĩ của tỉnh hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện công tác giám sát, truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm nhanh. Trong đợt dịch 3 khi phát sinh ổ dịch tại thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương), tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương đã kịp thời phối hợp thông tin, thực hiện điều tra, truy vết, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch thành công đảm bảo cho người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu an toàn.
Ngoài ra, 3 tỉnh cũng chủ động, tích cực triển khai liên kết hợp tác trên các lĩnh vực: quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nông nghiệp, thương mại, du lịch... Những kết quả đạt được trong nội dung phối hợp có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh; tiếp tục khẳng định vị thế của Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương là các động lực tăng trưởng của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
Trên cơ sở thảo luận, đánh giá rõ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, chưa tương xứng và chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các bên trong hoạt động hợp tác giữa Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, 3 tỉnh thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp đối với từng địa phương, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và thúc đẩy phát triển liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ ngày càng đi vào thực chất theo nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển”. Trong đó, tập trung phối hợp triển khai chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tăng cường hợp tác liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác kết nối hạ tầng giao thông, vận tải; hợp tác trong các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, dịch vụ du lịch, lao động, quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh, trật tự. Đồng thời, phối hợp hoàn thiện hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) trình UNESCO; xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hoá - lịch sử chiến thắng Bạch Đằng...
Bày tỏ sự ấn tượng rất lớn trước tốc độ phát triển của tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương và đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh: Mặc dù chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh nhưng Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch của năm 2021 đã đề ra. Tỉnh đã giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong 6 năm liên tiếp. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh cả năm đạt trên 52.400 tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ, trong đó thu nội địa tăng 13% cùng kỳ, thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước. Những kết quả đạt được rất toàn diện và nổi bật trong hai năm 2020 và 2021 đã đưa Quảng Ninh trở thành một địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước về phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Những kết quả toàn diện, những cách làm đổi mới, sáng tạo của Quảng Ninh là bài học kinh nghiệm rất quý cho các địa phương học tập.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Qua thảo luận, 3 địa phương đã thống nhất sẽ hợp tác có trọng tâm trọng điểm để Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn nữa nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảo vững chắc quốc phòng an ninh, không ngừng cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và phát huy vai trò của 3 địa phương trong việc xây dựng trở thành các đầu tàu, các cực tăng trưởng và địa bàn động lực trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Với tinh thần hiện thực hóa chủ trương của Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, nội dung thời gian tới là cần tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại liên thông tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ của 3 địa phương để kiến tạo nên không gian phát triển mới với trục giao thông huyết mạch, hình thành hành lang giao thông gắn với hành lang đô thị và hành lang kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của 3 địa phương với mục tiêu đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của 3 địa phương đã đặt ra.
Qua thảo luận, 3 địa phương cũng thống nhất cao các đề xuất của các cơ quan để bổ sung vào các văn kiện. Đó là Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương sẽ nghiên cứu hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối giữa 3 địa phương và tuyến đường ven sông 10 làn xe tốc độ cao của tỉnh Quảng Ninh từ cầu Bạch Đằng về đến Đông Triều để kết nối đồng bộ liên thông với các địa bàn lân cận của tỉnh Hải Dương và Bắc Giang với cao tốc Hà Nội, Bắc Giang và Lạng Sơn để thúc đẩy hợp tác liên vùng, nội vùng. Thống nhất cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 291 từ Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đi thị trấn Trới, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, xem xét, tính toán để có con đường nối từ Tây Yên Tử sang Đông Yên Tử.
Cùng với hợp tác hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối, 3 địa phương sẽ tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm liên tuyến, liên tỉnh giáp ranh; nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị; quan tâm, phát huy vốn giá trị văn hóa, xã hội, con người của ba địa phương để phục vụ phát triển bền vững; hợp tác thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xúc tiến đầu tư và thúc đẩy chuyển đổi số.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, hiện phía Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện xong hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, vì vậy, mong muốn 2 địa phương cùng thúc đẩy các công việc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các bước hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, trong đó, bảo đảm hồ sơ cung cấp để báo cáo hoàn thiện Hồ sơ lần 1 đề cử trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7/2022; hoàn thiện Hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO trước ngày 31/12/2022.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung ký kết giữa 3 tỉnh, mỗi địa phương sẽ thành lập một Ban chỉ đạo ở địa phương mình do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Các địa phương cần tính toán nguồn lực để ưu tiên thực hiện cho các nội dung ký kết tại hội nghị.
Tại hội nghị, lãnh đạo 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang đã tổ chức lễ ký kết thực hiện các nội dung hợp tác giai đoạn 2022-2025.
Ý kiến ()