Quản lý, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị
Trên thực tế, bấy lâu nay, việc nay đào, mai lấp ở các công trình công cộng như hè phố rồi một thời gian ở chính chỗ đó lại thấy diễn ra “đào, lấp” khiến mọi người thấy khó hiểu. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, đã có ý kiến người dân phản ánh về việc này. Và tin vui đã đến khi tỉnh vừa ban hành Quy định về quản lý, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị ở Quảng Ninh.
Theo giải thích từ ngữ ở Quy định này thì “công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm” là những công trình được xây dựng dưới mặt đất tại đô thị gồm: Đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng; công trình đường dây cấp điện, thông tin liên lạc; hào, tuynen kỹ thuật, cống, bể và các công trình đầu mối kỹ thuật được xây dựng ngầm. Với 7 chương, 39 điều, Quy định quản lý, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị trên địa bàn tỉnh đã cụ thể từng vấn đề và có sự phân cấp rõ ràng.
Không chỉ đưa ra nguyên tắc quản lý, sử dụng đất để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, tại điều 6 (chương I) còn xác định hỗ trợ và ưu đãi đối với đầu tư loại hình này. Đáng chú ý, tại điều 19 (chương III) xác định rõ thẩm quyền cấp phép xác định như sau: Sở Xây dựng Quảng Ninh thực hiện cấp phép xây dựng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị từ cấp II trở lên. Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất mà chưa có trong dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì do Ban Quản lý các Khu Kinh tế thực hiện cấp phép xây dựng bổ sung cho các công trình ngầm đó. Các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm xây dựng còn lại do UBND huyện, thành phố, thị xã nơi có công trình thực hiện cấp giấy phép.
Cùng với đó, việc thi công công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm được quy định với 5 yêu cầu. Đó là, trước khi thi công, chủ đầu tư phải thông báo việc khởi công công trình đến UBND phường, xã, thị trấn tại khu vực có công trình trước 5 ngày làm việc để phối hợp kiểm tra, giám sát. Nhà thầu xây lắp phải có biện pháp thi công bảo đảm an toàn cho hoạt động bình thường của các tuyến đường dây, đường cáp, đường ống, các công trình ngầm và các công trình khác cũng như bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Nhà thầu xây lắp phải bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ thi công và các quy định về quản lý chất lượng công trình. Không chỉ vậy, còn yêu cầu có kế hoạch và chuẩn bị sẵn phương án khắc phục các sự cố có thể xảy ra trong quá trình thi công, nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện thi công và công trình. Cuối cùng là việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, trình tự công việc và có chế độ thường xuyên kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thi công…
Một trong những nội dung rất đáng quan tâm ở Quy định là kế hoạch hạ ngầm đường ống, đường dây, đường đi cáp nổi (điều 27, chương III). Đó là, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào các tuyến đường bộ được giao quản lý, chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, các sở, ngành liên quan khảo sát, tổng hợp trình UBND tỉnh công bố danh mục và lộ trình các tuyến đường phải ngầm hoá công trình hạ tầng kỹ thuật đi nổi. Chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật đi nổi trên địa bàn tỉnh căn cứ vào danh mục công bố các tuyến đường phải ngầm hoá, xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo ngầm hoá công trình được giao quản lý phù hợp lộ trình được công bố. Không chỉ vậy, thay cho việc mạnh ai người đó làm như trước đây, trong Quy định này ghi rõ: Các tổ chức và cá nhân khai thác, sử dụng đường ống, đường dây, đường cáp nổi đi trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp, tham gia và đóng góp kinh phí để thực hiện việc hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi theo kế hoạch chung của UBND tỉnh (điểm 4, điều 28, chương III).
Với khung pháp lý này, mong rằng không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mà bộ mặt đô thị ở Quảng Ninh ngày càng tươi sáng hơn khi trong quá trình phát triển có sự chuyên nghiệp hoá.
Ngọc Lê
Ý kiến ()