Phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn
Cụ thể, xã Nguyễn Huệ (Đông Triều) có 15 con lợn thịt mắc bệnh; thôn Vị Khê, xã Liên Vị (Yên Hưng) 92 con mắc bệnh (đã có 2 con chết); phường Hà Khẩu (TP Hạ Long) có 82 con lợn thịt mắc bệnh.
Dịch bệnh tai xanh có tốc độ lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất, chăn nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay dịch bệnh đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước, gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng, khó khăn cho các hộ kinh doanh và đã xuất hiện tại Quảng Ninh.
Bệnh tai xanh không phải là bệnh mới, mà nó đã xuất hiện ở các năm trước và đã được các ngành chức năng, địa phương dập tắt hiệu quả. Từ những kinh nghiệm ấy cộng với sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, ngay khi bệnh xuất hiện, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo các trạm thú y cơ sở thực hiện việc khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, tiêu hủy lợn chết; thành lập các chốt, trạm kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển lợn bệnh từ vùng dịch ra bên ngoài nhằm tránh lây lan ra các địa phương khác.
Để ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, góp phần bảo vệ sản xuất cũng như sức khỏe của người dân, ngành Thú y và các địa phương cần tập trung sức và chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Các địa phương kể cả đã có dịch và chưa có dịch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tuyên truyền sâu rộng tới người dân tác hại của dịch bệnh và cách phòng tránh; giám sát tới từng hộ chăn nuôi để kịp thời phát hiện dịch bệnh và có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Đặc biệt cần thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó triển khai thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch, không mua lợn bệnh và các sản phẩm lợn bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không vận chuyển lợn bệnh và sản phẩm của chúng ra khỏi vùng dịch, không vứt xác lợn bệnh bừa bãi ra môi trường. Làm tốt các chỉ đạo và quy định trên chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn, dập tắt...
Ý kiến ()