
Phòng bệnh từ tiêm vắc-xin
Tiêm vắc-xin là biện pháp chủ động tạo miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Các chuyên gia khẳng định, tiêm chủng đầy đủ là cách phòng chống bệnh truyền nhiễm an toàn, hiệu quả hiện nay.
Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai nhằm mục tiêu cung cấp miễn dịch chủ động cho toàn dân, đặc biệt là trẻ em thuộc nhóm đối tượng có sức đề kháng non nớt và hệ miễn dịch kém. Hoạt động này đã góp phần phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có mức độ lây lan nhanh chóng và đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Điều này đồng nghĩa là người từng tiêm chủng sẽ tránh được nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong do dịch bệnh gây ra.
Tại Quảng Ninh hiện có 2 hình thức tiêm chủng vắc-xin là chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai tại tất cả các xã, phường trong tỉnh. Theo đó, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc-xin miễn phí phòng 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao, gồm: Lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, viêm màng não mủ do Hib, rubella, sởi, viêm não Nhật Bản.
Người dân có thể tiêm những loại vắc-xin dịch vụ để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, cúm, viêm gan B, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh lý do phế cầu gây ra, ung thư cổ tử cung, bệnh sinh dục... Toàn tỉnh hiện có 58 cơ sở tiêm chủng dịch vụ (18 phòng tiêm dịch vụ tại các đơn vị y tế trong tỉnh; 42 cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân).
CDC Quảng Ninh tập trung nhiều nguồn lực để triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh. CDC Quảng Ninh thực hiện cung ứng, điều phối vắc-xin cho các đơn vị trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, chỉ đạo tuyến cho các đơn vị y tế, điểm tiêm chủng; tham gia công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tiêm chủng, trong đó cập nhật thông tin tiêm chủng của các đối tượng lên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia được kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ...

Trạm y tế các xã, phường lập kế hoạch tiêm chủng từ đầu tháng để dự trù vắc-xin theo số lượng, đối tượng; hệ thống sẽ tự động liệt kê danh sách các đối tượng đến độ tuổi tiêm hoặc những đối tượng còn thiếu mũi tiêm. Cách thức quản lý này sẽ giúp người dân cũng như trẻ nhỏ được tiêm chủng đầy đủ, hiệu quả.
Theo bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Ninh): Để phòng ngừa dịch bệnh, người dân nên có lịch tiêm định kỳ, đúng lịch, trước mùa có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Thông thường vắc-xin không thể có hiệu quả ngay sau khi tiêm. Tất cả các loại vắc-xin đều có kháng thể sau ít nhất 1 tuần, sau 2 tuần kháng thể tăng cao, đạt khả năng phòng dịch tối đa sau 1 tháng.
Nhiều năm qua, công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh được đặc biệt quan tâm. Nhờ đó kết quả tiêm chủng đầy đủ hằng năm đạt trên 95%, tiêm vắc-xin cho trẻ sơ sinh đạt trên 85%, phụ nữ có thai đạt trên 85%. Chiến dịch tiêm/uống bổ sung vắc-xin hằng năm được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng.
Theo các chuyên gia y tế, tiêm chủng là vô cùng quan trọng, không những cho trẻ nhỏ mà cho cả người trưởng thành, nhất là các đối tượng như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch suy giảm… Càng nhiều người được tiêm phòng thì khả năng miễn dịch của cộng đồng sẽ càng cao, ngăn chặn được sự lây lan các bệnh truyền nhiễm, tạo hàng rào bảo vệ tốt nhất đối với sức khỏe cộng đồng.
Ý kiến ()