Phát triển kinh tế di sản
Vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều di sản vẫn hiện diện, trực tiếp hoặc gián tiếp, lặng thầm lan tỏa giá trị trong cuộc sống đương đại. Quảng Ninh, với vị trí ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, cùng những ưu ái đặc biệt của thiên nhiên đang sở hữu một hệ thống di sản phong phú, đa dạng và đặc sắc. Không chỉ là chứng nhân của quá khứ, những di sản còn là nguồn lực vô giá, cần được quản trị một cách bền vững để phát huy giá trị, cũng như đóng góp vào tăng trưởng KT-XH của địa phương.
Nguồn lực của kinh tế di sản
Thời gian qua, cùng với những bước phát triển về tư duy trên nhiều lĩnh vực, tư duy về văn hóa, trong đó có di sản đã thay đổi. Di sản không chỉ là tài sản của quốc gia, dân tộc, là chứng nhân của cuộc sống trong quá khứ cần bảo tồn, mà còn là nguồn lực, là tài nguyên có thể chuyển hóa vào quá trình sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tạo ra lợi nhuận và giá trị kinh tế, từ đó tạo động lực phát triển KT-XH. Do đó, xuất hiện tư duy “làm giàu từ văn hóa”, “làm giàu từ di sản”, phát triển kinh tế di sản nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh cũng như các giá trị “đặc hữu” của di sản nói riêng. Di sản cùng các dịch vụ hệ sinh thái di sản ngày càng trở thành một thành phần ưu tiên trong quy hoạch, chiến lược và chính sách phát triển của nhiều quốc gia, vùng, miền, địa phương. Kinh tế di sản là những lợi ích và giá trị mà di sản mang lại cho con người trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở VH-TT, giá trị kinh tế của di sản văn hóa không phải như một hàng hóa thông thường trên thị trường, mà nó là một dạng hàng hóa đặc biệt, thể hiện gián tiếp thông qua các giá trị khác. Giá trị kinh tế của di sản văn hóa phải được lồng ghép vào giá trị các loại hàng hóa khác để mang lại giá trị cho xã hội. Bản thân các di sản văn hóa là vô giá, khó có thể đo, đếm, định lượng được, nhưng những hoạt động liên quan đến di sản sẽ chuyển hóa thành những giá trị KT-XH như bán vé tham quan du lịch, các dịch vụ hàng hóa đi kèm… Kinh tế di sản luôn có mục tiêu kép là phát triển kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa. Nếu bỏ đi một trong hai mục tiêu này thì đều ảnh hưởng không tốt đến di sản và sự tồn tại của nó.
Với thiên nhiên tươi đẹp, địa hình đa dạng gồm cả vùng núi, đồng bằng và miền biển, Quảng Ninh hội tụ hệ thống di sản thiên nhiên và di sản văn hóa rất phong phú, đa dạng, kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc, vùng, miền trong hành trình xây dựng và phát triển lâu dài. Có thể kể tới di sản tiêu biểu không chỉ của tỉnh, mà còn là của cả nước là Vịnh Hạ Long - một kỳ quan thiên nhiên độc đáo đã 3 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài ra, Quảng Ninh còn lưu giữ được hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc với hơn 600 di sản văn hóa vật thể (đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh…); gần 400 di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian...).
Cùng với đó, Quảng Ninh còn có hơn 100 lễ hội, được các địa phương huy động nguồn lực tổ chức hiệu quả, trở thành điểm đến văn hóa - tâm linh nổi tiếng cả nước như: Lễ hội Yên Tử, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội đền Cửa Ông… Cùng nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên, như: Lễ hội Carnaval Hạ Long, lễ hội hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, lễ hội hoa sở, lễ hội trà hoa vàng... Tất cả góp phần tạo dựng hệ thống di sản phong phú và đặc sắc của Quảng Ninh, là tiềm năng, thế mạnh có thể được chuyển hóa thành nguồn lực “đặc hữu” trong phát triển KT-XH của địa phương và cả nước.
Để phát huy nguồn lực này, Quảng Ninh đã và đang chủ động trong nâng cao năng lực quản trị di sản theo hướng bền vững trên cơ sở quán triệt các quan điểm của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, đồng thời xác định các lợi thế từ nguồn lực di sản của địa phương. Trước tiên, về mặt quan điểm, tầm nhìn chiến lược, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn đề cao vị trí, vai trò của văn hóa và đưa ra những định hướng về phát triển văn hóa trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Quan điểm đó có sự xuyên suốt, kế thừa từ các kỳ đại hội trước đó và bổ sung những điểm mới phù hợp với bối cảnh mới và thực tiễn địa phương.
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định một số quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025, trong đó có quan điểm lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa)…; phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.
Một trong các khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định là xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu, nghèo và chênh lệch vùng, miền trong tỉnh. Đại hội cũng đề ra nhiệm vụ thường xuyên và các giải pháp lớn, trong đó có kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh...Từ nghị quyết này, Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch công tác để triển khai, tổ chức thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống, trong đó có các chương trình về phát triển văn hóa, con người, bảo đảm an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội. Đặc biệt, ngày 30/10/2023, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Năm 2024, tỉnh lựa chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, tiếp tục huy động sự vào cuộc tích cực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc giữ gìn, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh trong xây dựng khối đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Phát huy thế mạnh ngành kinh tế mũi nhọn
Các di sản văn hoá đã và đang khẳng định vị thế, vai trò không chỉ trong đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, mà còn là nguồn tài nguyên du lịch bền vững, là những điểm đến thu hút khách du lịch, ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp đóng góp vào công cuộc phát triển KT-XH của địa phương nơi có di sản. Theo thống kê của Sở VH-TT, hiện có khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của tỉnh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ thương mại nói chung, từ các di sản nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tiêu biểu là đóng góp của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long với số lượng khách tham quan du lịch ngày càng tăng. Giai đoạn 2010-2024, Vịnh Hạ Long đã đón hơn 40 triệu lượt khách, trong đó khách Việt Nam đạt gần 17,1 triệu lượt, khách nước ngoài đạt trên 23 triệu lượt; phí tham quan vịnh thu đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Nguồn thu này đã giúp bổ sung phần đáng kể vào nguồn tài chính dành cho TP Hạ Long trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn di sản.
Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch, tỉnh đã ban hành các đề án phát triển du lịch, hình thành các tuyến, điểm du lịch (cả vùng đệm và xung quanh khu vực di sản thế giới) với các hình thức du lịch có trách nhiệm, bền vững như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch mới, vừa góp phần giảm tải cho khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào DTTS, di sản đặc sắc của địa phương, như: Nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Thông qua các hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu cho khách du lịch mang lại thu nhập và lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương, từ đó tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó của cộng đồng dân cư đối với di sản, đưa di sản thực sự “sống” trong cộng đồng sở hữu di sản.
Theo báo cáo của ngành Du lịch Quảng Ninh, giai đoạn 2015-2022, lượng khách và doanh thu từ du lịch đều tăng trưởng tốt qua từng năm. Từ 7,76 triệu lượt (năm 2015) tăng lên 14 triệu lượt (năm 2019); doanh thu du lịch từ 10.900 tỷ đồng (năm 2015) tăng lên 29.486 tỷ đồng (năm 2019). Năm 2023, du lịch Quảng Ninh có sự hồi phục và bứt phá mạnh mẽ với trên 15 triệu lượt khách, trong đó có trên 2 triệu lượt quốc tế (tăng 33,6% so với năm 2022), doanh thu du lịch ước đạt trên 33.000 tỷ đồng (tăng 48% so với năm 2022). Năm 2024, Quảng Ninh hoàn thành chỉ tiêu đón 19 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 3,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 46.460 tỷ đồng.
Bảo tồn để phát triển bền vững
Quảng Ninh đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả quản trị di sản, tạo nguồn lực và động lực trong xây dựng văn hóa, con người, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh, hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 17-NQ/TU. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân Quảng Ninh về vị trí, vai trò của di sản văn hóa trong phát triển KT-XH, về quyền và nghĩa vụ đối với các di sản văn hóa. Tiếp tục đổi mới tư duy, trước hết của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp trong vấn đề quản trị di sản, coi đầu tư phục dựng, bảo tồn và phát huy di sản là đầu tư vào phát triển KT-XH, để di sản văn hóa trở thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch tham gia vào thị trường tiêu dùng của xã hội.
Theo ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở KH&ĐT, tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện liên vùng, liên cấp, liên ngành trong công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển KT-XH; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản trị di sản văn hóa, gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển KT-XH của địa phương, trong đó quan tâm các chính sách đặc thù đối với di sản, phục dựng di sản, phát triển kinh tế di sản. Đặc biệt, đề cao vai trò của nhân dân, đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó cần giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Chủ trương của tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư và đa dạng hóa các nguồn vốn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phục vụ cho phát triển KT-XH, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc. Đồng thời, nâng cao hiệu quả gắn kết giữa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa và chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng, miền, nhất là trong hoạt động du lịch di sản, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững...
Thông qua sự gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn để quảng bá và phát huy giá trị di sản của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()