
Phát huy vai trò truyền thông cộng đồng trong cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em
Suy dinh dưỡng ở trẻ em không chỉ làm chậm phát triển về thể chất mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, thời gian qua các cấp, ngành chức năng trong tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông để những người làm cha mẹ và toàn xã hội thấy được tầm quan trọng trong việc nâng cao thể lực, trí tuệ cũng như cải thiện chất lượng sống của trẻ.
Như thường lệ, vào mỗi cuối tuần, chị Nguyễn Thị Ngân, Chủ tịch Hội LHPN xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn) kiêm Chủ nhiệm mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ” đã cùng các thành viên chủ chốt tập trung tại nhà một số gia đình trên địa bàn xã, đặc biệt là những hộ gia đình có trẻ em bị suy dinh dưỡng để tuyên truyền, chia sẻ cho các hộ gia đình về những vấn đề liên quan đến trẻ em, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em.
Nội dung chính của buổi tuyên truyền tập trung vào các vấn đề liên quan đến trẻ em, cách chăm sóc sức khỏe trẻ ngay tại gia đình, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo từng giai đoạn. Đồng thời, các chương trình, chiến dịch chăm sóc dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, nuôi con bằng sữa mẹ… cũng được phổ biến kịp thời đến từng hộ gia đình có con nhỏ trên địa bàn xã.

Chị Nguyễn Thị Ngân cho biết: Trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, chiếm tỷ lệ đến 65%. Nhiều gia đình nuôi con nhỏ nhưng chưa biết chăm sóc đúng cách nên dẫn đến trẻ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng, hay ốm đau, bệnh tật. Vì thế, thông qua các buổi tuyên truyền ngay tại gia đình như thế này, sẽ giúp họ có cái nhìn tổng quát hơn về sức khỏe của con em mình, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của những người làm cha mẹ để chăm sóc, cải thiện dinh dưỡng cho trẻ một cách tốt nhất.
Cũng theo chị Ngân, bên cạnh việc tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, những buổi sinh hoạt mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ” cũng thu hút rất nhiều gia đình tới tham gia. Hiện CLB đã có 30 thành viên, chủ yếu là người dân trên địa bàn và các bậc cha mẹ muốn có thêm kiến thức về chăm sóc con cái đều đến tham gia các buổi sinh hoạt để có thêm nhiều kiến thức hơn phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ, nhất là khi chăm sóc trẻ bị ốm, bệnh cần có những phương pháp nào hiệu quả... Đặc biệt, Hội LHPN xã còn phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức truyền thông vào những buổi tiêm chủng mở rộng cho trẻ em cũng như được duy trì lồng ghép trong quá thăm khám cho trẻ tại cơ sở. Việc làm này đã đem lại hiệu quả tích cực nâng cao nhận thức của các gia đình về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, chủ động phòng trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng.

Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức, hành vi của phụ nữ và nhân dân về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng DTTS, miền núi, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1889/QĐ-UBND (7/7/2023) về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025” (Dự án 7). Hội LHPN tỉnh được giao là đơn vị chủ trì xây dựng và triển khai các chỉ tiêu của Dự án 7. Theo đó, Hội LHPN tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo đến Hội LHPN các địa phương tham gia Đề án (Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long). Tập trung tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em tại 64 xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn thuộc 8 địa phương trên. Trong đó có 16 xã có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao, gồm: Đồng Sơn, Kỳ Thượng (Hạ Long); Đạp Thanh, Thanh Lâm (Ba Chẽ); Điền Xá, Hải Lạng, Hà Lâu, Phong Dụ (Tiên Yên); Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động (Bình Liêu); Quảng An, Quảng Lâm (Đầm Hà); Quảng Sơn, Quảng Đức (Hải Hà); Vạn Yên (Vân Đồn).
Năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức 54 lớp tập huấn, hội nghị truyền thông về kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS cho phụ nữ, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường thể lực cho bà mẹ, trẻ em; kiến thức chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại cộng đồng cho các nữ thanh niên, bà mẹ, người nuôi dưỡng trẻ tại 16 xã triển khai dự án 7. Cùng với đó, tổ chức 20 lớp tập huấn tuyên truyền về kiến thức chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, đồng bào DTTS cho 1.050 lượt cán bộ Hội, y tế thôn bản, cộng tác viên dinh dưỡng thôn bản, các bà mẹ có con từ 0-5 tuổi và thành viên mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ” tại 16/16 cơ sở Hội thuộc 8 địa phương triển khai dự án.
Song song với đó, Hội đã thành lập được 21 mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ” và tiến hành trang bị sổ theo dõi chiều cao cân nặng cho trẻ từ 0-5 tuổi cho 100% thành viên mô hình (là người trực tiếp chăm sóc trẻ). Hàng tháng, Hội LHPN xã hướng dẫn ban chủ nhiệm mô hình phối hợp với trạm y tế xã tổ chức cân đo chiều cao, cân nặng của trẻ và cập nhật vào sổ theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ để kịp thời đánh giá tình trạng phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11%, thể thấp còi xuống dưới 17%; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi. Vì thế, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; huy động sự vào cuộc của các cấp, ban, ngành, đoàn thể xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác truyền thông, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động truyền thông tại cộng đồng để nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng về tầm quan trọng của sự phát triển toàn diện của trẻ trong giai đoạn đầu đời.
Ý kiến ()