
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết
Đoàn kết toàn dân tộc đã được hình thành và củng cố trong hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, tạo thành một truyền thống bền vững thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” đã gắn kết mỗi người dân nước Việt trong tình làng, nghĩa xóm, trong nghĩa đồng chí, đồng bào, trong tình yêu quê hương, đất nước.
Dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc với nhân dân khu dân cư số 6, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nhờ có đoàn kết thành một khối của các tầng lớp công nông, trí thức, của tất cả đồng bào các dân tộc từ miền Nam, miền Bắc, miền xuôi, miền ngược dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ra sức mạnh để đất nước ta giành thắng lợi trước kẻ thù và có được cơ đồ như ngày hôm nay.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong những năm qua nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng được coi trọng, có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, bám dân, tăng cường đối thoại với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của nhân dân để tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách xử lý có hiệu quả những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Việc triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, mục tiêu đã làm cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở các vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt; văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy.
Trong kết quả đạt được chung đó, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã góp phần to lớn tạo nên sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Ðặc biệt, các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư... có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện sâu rộng, đã làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người thấm vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết ngay tại cơ sở và địa bàn dân cư.
Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tạo sức mạnh vững chắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, là trách nhiệm của mỗi người dân.
Ngọc Lan
Ý kiến ()