Ông và những câu chuyện dưới lòng đất
“Nhà tôi ba đời… sống trên đất Mỏ”, ông tôi là đời thứ nhất!
Ông tôi là một người thợ lò. Từ những năm 80 của thế kỷ trước ông thoát ly quê miền Trung nắng gió, khó khăn để ra Quảng Ninh và mưu sinh bằng nghề thợ mỏ.
Công việc của một người thợ mỏ khắc nghiệt, phải làm việc dưới lòng đất.
Những câu chuyện của ông mang đến cho tôi hình ảnh về một thế giới hoàn toàn khác. Ông thường nói về cái lạnh buốt của không khí trong hầm mỏ, về tiếng búa và máy móc vang lên như nhạc nền cho cuộc sống của những người thợ. Ông kể về những lúc phải làm việc trong bóng tối, chỉ có ánh đèn pin le lói dẫn đường. Tôi cảm nhận được sự dũng cảm và kiên cường trong từng câu chữ của ông.
Mỗi lần nghe ông kể về công việc của mình, tôi đều cảm thấy vừa tự hào, vừa lo lắng.
Hơn cả sự vất vả, ông luôn nhấn mạnh về tình đồng nghiệp, về những người đã cùng ông trải qua bao khó khăn. Ông thường nói: "Chúng tôi như một gia đình, cùng nhau vượt qua mọi thử thách." Đó là điều khiến tôi cảm thấy ấm lòng, rằng dù trong hoàn cảnh nào, con người vẫn có thể tìm thấy sự kết nối và yêu thương.
Tôi cũng không thể quên có những sáng sớm ông trở về nhà sau ca 3, vẫn còn bụi than bám trên quần áo. Mệt mỏi nhưng luôn nở nụ cười và không quên dúi cho thằng cháu đích tôn một cái bánh mì mỏ thơm nức.
Ông yêu văn nghệ, sau những giờ lao động vất vả ông vẫn say sưa với cây đàn ghi ta và cây sáo trúc. Con Đen là khán giản nhiệt tình và trung thành nhất của ông. Mỗi lần nghe tiếng ghi ta hoặc tiếng sáo trúc của ông vang lên là dù đang ngủ hay chơi ở đâu nó cũng ba chân bốn cẳng chạy về bên cạnh ông, say sưa nghe ông hát, ông đàn, thi thoảng còn hú lên hoặc lắc lư cái đầu để phụ họa.
Với khả năng đàn hát của mình, ông đã từng dành đạt giải quán quân trong cuộc thi “Người hát karaoke hay nhất” do công ty ông tổ chức.
Ông luôn cố gắng dành thời gian cho tôi, kể cho tôi nghe về cuộc sống trong hầm mỏ, về những điều mà tôi không thể thấy được. Những buổi tối như vậy, tôi cảm nhận được sự hy sinh của ông cho gia đình, cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mỗi lần nghe ông nói về sự cần mẫn và trách nhiệm của mình, tôi lại càng thêm tự hào. Ông không chỉ là một thợ mỏ, mà còn là một người hùng trong mắt tôi. Ông đã dạy tôi về giá trị của lao động, về việc luôn đứng vững trước khó khăn.
Nhìn ông làm việc, tôi hiểu rằng mỗi giọt mồ hôi của ông đều đáng quý, mỗi nỗ lực đều có ý nghĩa. Tôi ước một ngày nào đó, tôi có thể trở thành người mà ông tự hào. Và dù có đi đâu, làm gì, tôi sẽ luôn mang theo những bài học quý giá mà ông đã truyền dạy.
Thế rồi, có một lần ông bị tai nạn trong lúc làm việc, ngón tay trỏ bên trái của ông bị dập nát phải tháo bỏ. Ông bảo, nghề Mỏ vất vả, cũng nguy hiểm nữa, nhưng ông biết ơn nó. Công việc đã giúp ông nuôi sống gia đình, có cuộc sống ổn định, có thằng cháu “đích tôn” đẹp trai, ngoan ngoãn như này.
Sau khi bị tai nạn, ông không còn chơi được guitar nữa, không đủ ngón tay để ông bấm nốt, chặn nốt solo nữa; cũng khó để chơi sáo. Nhưng ông vẫn đệm đàn và hát cho đỡ nhớ, con Đen vẫn là khán giả trung thành của ông.
Sự cố hầm lò cũng là một bài học quý để ông nhắc nhở tôi về những quy tắc, quy định nghiêm ngặt trong lao động.
Cuộc sống của ông là nguồn cảm hứng cho tôi, để tôi không ngừng phấn đấu và trân trọng những giá trị giản dị trong cuộc sống.
Ý kiến ()