Nước tương và "nát như tương"
Bạn đọc này nói: "Tôi phải dùng từ "trơ trẽn" để nói về "phong cách" của vị thay mặt ngành y tế TP trong cuộc họp báo này. Trong lúc hàng triệu người tiêu dùng đang phát sốt phát rét lên khi nghe những thông tin động trời về hàm lượng chất "3D" (độc giả này gọi độc chất 3-MCPD có trong nước tương bằng tên tắt như vậy) thì ông phó giám đốc Sở Y tế TP cứ tỉnh như không, nói năng tránh trớ đậy trước che sau. Đúng là nếu không có báo chí "la làng" lên, thì người tiêu dùng trong cả nước chứ không chỉ ở TP.HCM chẳng biết mình đang ăn nước tương hay sắp "nát như tương" vì độc chất gây ung thư trong nước tương.
Tôi hỏi anh, nếu trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân lại trao cho... báo chí, thì sinh ra ngành y tế và cơ quan Thanh tra Y tế để làm gì?". Vụ việc Sở Y tế và Thanh tra Y tế TP.HCM "ém nhẹm" thông tin về độc chất "3D" (3-MCPD) trong những... 6 năm quả là một "kỷ lục" về sự vô trách nhiệm trước sinh mạng người dân, không chỉ ở TP.HCM, mà trong cả nước. Vì ai cũng biết, những nhãn hiệu nước tương mới được Sở Y tế TP.HCM công bố ngày 23.5 này (trong khi đã có kết quả kiểm nghiệm từ đầu năm 2007) không chỉ được bán ở TP.HCM, mà còn được bán rộng rãi trong cả nước.
Ngay bây giờ, ở những vùng miền mà người dân có ít thông tin, chắc chắn họ vẫn tiếp tục mua và dùng những thứ nước tương này mà không hề biết mình đang dùng... thuốc độc. Sự nguy hiểm cứ nhân lên từng ngày, từng tháng, từng năm như vậy trong suốt bao năm qua.
Những nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá thì vô lương tâm đã đành, nhưng đến những cơ quan được sinh ra để bảo vệ sức khỏe người dân mà cứ "đánh quả tù mù" như thế trước sinh mạng người dân, cứ "vô tư" một cách rất đáng nghi ngờ như thế trước những hành động rõ ràng phạm pháp nghiêm trọng của những nhà sản xuất nước tương, thì phải nói "hàm lượng lương tâm" còn trong họ chắc có biểu đồ ngược với "hàm lượng chất 3-MCPD" có trong nước tương.
Theo tôi biết, thì hoạt động của thanh tra y tế ở rất nhiều địa phương trong cả nước thường diễn ra theo kiểu "phong trào" hay "mùa vụ", và đều khá hình thức, mang tính "trình diễn" trước ống kính truyền hình là chính. Những cơ sở được gọi là "vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn" qua những đợt thanh kiểm tra theo kiểu "cưỡi ngựa xem... mất vệ sinh" ấy cùng lắm chỉ bị phạt ít tiền hay bị cảnh cáo chiếu lệ. Rồi lại đâu vào đấy. Vì thế, không một cơ sở sản xuất hay dịch vụ ăn uống thực phẩm nào "lấy làm điều" về những đợt thanh kiểm tra của ngành y tế. Họ có lúc cũng chả buồn đối phó nữa, cứ "giơ mặt chịu trận" cho qua, vì dường như họ đã biết cách "cùng sống, cùng tồn tại" với thanh tra y tế.
Có lẽ, đó là lý do để những thông tin động trời về độc chất trong nước tương tuy đã có kết quả kiểm nghiệm từ 6 năm trước nhưng mãi tới giờ mới được ngành y tế chính thức công bố. Trách nhiệm này, theo tôi, không chỉ thuộc về Thanh tra Y tế hay Sở Y tế TP.HCM, mà còn thuộc về Bộ Y tế. Không thể lấy lý do "vì cấp dưới chưa báo cáo" để né tránh trách nhiệm, khi đã có thể nắm trong tay những nguồn thông tin từ nhiều phía khác.
Nếu trong chuyện nước tương này mà còn ca điệp khúc "Ai cũng biết chỉ một người không biết" - mà "người không biết" lại là ngành y tế - thì còn bao nhiêu chuyện quan trọng khác nữa về sức khỏe người dân, sức khỏe cộng đồng, chúng ta còn biết tin vào ai đây?
Ý kiến ()