Nước mắm cũng “có chuyện”
Theo ViêtNamNet, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vừa ký văn bản số 3855/BYT-ATTP gửi Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo một số vấn đề có liên quan đến việc mua bán và sử dụng nước tương có chất gây độc 3- MCPD và tiến trình giải quyết sự việc. Bộ Y tế cũng kiến nghị một số vấn đề với Quốc hội. Theo đó, đề nghị đưa dự án xây dựng Luật Thực phẩm vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XII.
Lo ngại nước tương, người tiêu dùng quay sang với nước mắm. Nhưng báo chí trong tuần đã phản ánh: Nước tương bẩn thì nước mắm cũng chẳng sạch. Thanh tra Y tế kiểm tra tại cơ sở nước mắm Lâm Hà, ngõ 234, Phố Ô Cách, quận Long Biên, TP Hà Nội, thì thấy trong nhà xưởng ẩm thấp, lênh láng nước thải và bốc mùi hôi, thối có rất nhiều thùng nhựa lớn cáu bẩn đựng nước mắm vẩn bọt đen. Chủ cơ sở sản xuất giải thích về những chai nước mắm dán nhãn “cốt cá hồng độ đạm cao”, “đặc sản Nha Trang”, “chính gốc Phan Thiết” là: Nước mắm cốt được nhập từ TP Hồ Chí Minh, được đem pha với công thức riêng rồi dán nhãn đóng chai (?). Tuy nhiên, khi thanh tra Y tế hỏi đến địa chỉ đơn vị cung cấp nước mắm cốt và một số giấy tờ liên quan thì chủ cơ sở tỏ ra ấm ớ và cuối cũng đành thú nhận không hề biết địa chỉ cụ thể!
Chiều 6-6, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm. Cả 3 cơ sở được kiểm tra thì cả không đảm bảo vệ sinh, có cơ sở Thanh Phong (đường Lê Văn Quới, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) mua nước mắm ở nơi khác về chế biến thêm đường hoá học, bột ngọt. Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ cở này có loại đường hoá học sodium cylamate là loại đường cấm dùng trong thực phẩm.
Đối với an toàn vệ sinh thực phẩm, chẳng ai dám bảo tương, cà, mắm, muối là chuyện không đáng phải quan tâm. Người tiêu dùng cũng cần phải tìm hiểu nguồn gốc, đăng ký của sản phẩm để trước hết tự bảo vệ mình.
Ý kiến ()