Nước ép tự làm có thể làm tăng đột ngột đường huyết
Mặc dù nước ép tự làm có thể làm tăng lượng đường trong máu, nhưng chọn nguyên liệu và khẩu phần hợp lý có thể giúp người tiểu đường tiêu thụ an toàn.
Tiến sĩ Shrey Kumar Srivastav, Cố vấn cao cấp và Bác sĩ, Bệnh viện Sharda - Noida (Ấn Độ), đối với người bị tiểu đường, việc kiểm soát lượng đường trong máu rất quan trọng để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tổn thương thần kinh, bệnh thận và các bệnh tim mạch. Nếu ăn hoặc uống những thực phẩm có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu, việc duy trì mức đường huyết ổn định sẽ trở nên khó khăn hơn, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ngay lập tức và lâu dài.
Nước ép tự làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào?
Nước ép tự làm, đặc biệt là khi làm từ trái cây, thường có lượng đường tự nhiên cao. Khác với trái cây nguyên quả, có chứa chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, nước ép lại thiếu chất xơ này. Vì vậy, đường trong nước ép sẽ được hấp thụ nhanh chóng vào cơ thể, làm tăng nhanh lượng đường trong máu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng đường huyết
Loại thành phần: Nước ép từ trái cây có hàm lượng đường cao hoặc rau củ giàu tinh bột có thể dễ dàng gây tăng đột ngột lượng đường trong máu.
Khẩu phần: Uống một cốc nước ép lớn sẽ cung cấp nhiều đường hơn so với việc chỉ uống một khẩu phần nhỏ.
Phụ gia: Thêm chất tạo ngọt hoặc siro vào nước ép có thể làm tăng đáng kể lượng đường.
Thời điểm: Uống nước ép khi bụng đói có thể làm lượng đường trong máu tăng nhanh hơn.
Cách cho người tiểu đường thưởng thức nước ép tự làm an toàn
Chọn thành phần ít đường: Sử dụng rau không chứa tinh bột như rau bina, cải xoăn, dưa chuột, cần tây làm cơ sở cho nước ép. Thêm một ít trái cây ít đường như quả mọng (dâu tây, việt quất) để tạo hương vị mà vẫn kiểm soát lượng đường.
Giữ lại chất xơ: Trộn các nguyên liệu thay vì chỉ ép nước để giữ lại chất xơ. Chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Bạn cũng có thể thêm hạt chia hoặc hạt lanh xay vào nước ép để tăng cường chất xơ.
Kiểm soát khẩu phần: Hạn chế lượng nước ép, chỉ uống nửa cốc hoặc ít hơn mỗi lần. Điều này giúp giảm lượng đường được hấp thụ vào cơ thể.
Kết hợp với protein hoặc chất béo: Kết hợp nước ép với món ăn nhẹ giàu protein hoặc chất béo như hạt, quả bơ, hoặc sữa chua để giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường.
Theo dõi lượng đường trong máu: Sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra cơ thể phản ứng với các loại nước ép khác nhau. Điều này giúp bạn chọn lựa các loại nước ép phù hợp nhất.
Ý kiến ()