Nói tiếp về việc sơn tàu du lịch Vịnh Hạ Long
[links(right)]
Ngày 5-1-2012, UBND tỉnh ra Quyết định số 10/QĐ-UBND, quy định: Kể từ 30-4-2012, các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long phải thực hiện sơn vỏ tàu màu trắng và lắp cánh buồm nâu (nếu tàu sử dụng buồm). Ngay sau khi công bố, Quyết định này đã tạo ra một hiệu ứng xã hội khá mạnh mẽ từ phía công chúng, đặc biệt là những người làm trong ngành du lịch; có người đồng tình nhưng cũng không ít người phản đối, thậm chí có một số người còn phản đối khá quyết liệt...
Tàu đưa đón khách tham quan trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: T.B |
Vì sao lại có sự “trái chiều” như vậy? Và nên “ứng xử” như thế nào với điều này? Theo chúng tôi, trước hết cần nói ngay rằng, việc một quyết định của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh sau khi công bố mà được dư luận quan tâm như vậy là điều đáng mừng. Mừng vì điều đó cho thấy sự quan tâm của cả xã hội trước một vấn đề liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng và lớn hơn là của đất nước. Mừng vì việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long sao cho tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của “báu vật” này đã trở thành vấn đề “không của riêng ai”...
Không phải lúc nào và ở đâu cũng có được điều đó!
Nếu nhìn nhận vấn đề dưới góc độ như vậy thì mới xem xét sự việc một cách khách quan, toàn diện được. Và cũng như vậy mới có thể cân nhắc một cách thấu đáo, nhằm triển khai có hiệu quả một quyết định phù hợp thực tiễn nhất.
Với quan điểm này, chúng tôi xin đề cập một số vấn đề như sau:
Một là, việc sơn tàu trắng với cánh buồm nâu (nếu tàu có buồm) là làm đẹp Vịnh Hạ Long hay đó là hành vi “bức tử bản sắc dân tộc” - như có người đã nêu ra trên công luận? Theo thiển nghĩ của chúng tôi, không hẳn cứ cái gì đã quen, đã thành nếp thì gọi là “bản sắc dân tộc”. Việc xưa nay các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long chỉ sơn màu nâu (hoặc màu đen) không nói lên điều gì về cái gọi là “bản sắc dân tộc” cả. Đó chỉ là do điều kiện, hoàn cảnh cụ thể chưa cho phép làm khác đi mà thôi (cũng như trước đây người dân Việt Nam chỉ quen đi xe đạp thì không lẽ coi xe đạp là “bản sắc dân tộc Việt” hay sao?). Hai là, vậy thì hình ảnh “biển xanh, tàu trắng, cánh buồm nâu” có là nét đẹp đáng tạo ra cho Di sản - Kỳ quan Vịnh Hạ Long hay không? Thực ra đây là vấn đề không dễ khẳng định, bởi xưa nay chúng ta chưa gặp bao giờ! Nhưng đúng như ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT&DL, đã nói trong một cuộc phỏng vấn của giới báo chí, Quyết định này của tỉnh là một trong những việc nhằm tạo ra nét đặc trưng cho du lịch Vịnh Hạ Long, để bất cứ ai sau khi đến Hạ Long đều nhớ, trong đó có hình ảnh những con tàu trắng, buồm nâu lướt trên sóng biển xanh êm. Điều này không phải không có lý, chưa kể tàu sơn màu trắng còn phù hợp với thông lệ quốc tế để chỉ đó là tàu chở khách du lịch...
Nói như vậy để khẳng định rằng, Quyết định của UBND tỉnh về việc các đội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long phải “đồng phục” là nhằm mục đích làm đẹp cho Hạ Long, tạo ra nét đặc trưng cho loại hình kinh doanh du lịch đặc thù ở vùng Di sản - Kỳ quan “có một không hai” này. Tuy nhiên, điều đáng trao đổi lúc này, theo chúng tôi, là làm sao để Quyết định của tỉnh sớm đi vào thực tế. Muốn vậy, một mặt cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc này; mặt khác cũng phải xem xét, khảo sát thật cụ thể thực lực của các đội tàu liệu có khó khăn như thế nào trong quá trình thực hiện chủ trương này để tìm cách tháo gỡ; thậm chí nếu thấy cần thiết, nên chăng chọn một đội tàu nào đó “làm điểm” để rút kinh nghiệm trước khi tiến hành ra diện rộng...?
Làm đẹp cho Vịnh Hạ Long, tạo ra một thương hiệu cho du lịch Vịnh Hạ Long - Đó là điều rất cần trong hiện tại và tương lai. Và vì thế, thiết nghĩ không chỉ việc sơn tàu màu gì, mà còn nhiều những việc khác nữa rất cần quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cả cộng đồng cùng chung tay góp sức. Hy vọng, đây sẽ là “cú hích” để mọi người cùng tham gia xây dựng một Hạ Long Xanh - Sạch - Đẹp. Khách du lịch trên Vịnh Hạ Long có cơ hội tham gia vào tôn vinh giá trị của kỳ quan thế giới.
Trung Luận
Ý kiến ()