
Nỗi đau từ chất độc da cam
Nếu chứng kiến nỗi đau mà những nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang ngày đêm phải gánh chịu thì chắc chắn sẽ hiểu tại sao "những gì chiến tranh để lại sau khi kết thúc còn đáng sợ hơn những thứ nó đã cướp đi trong những trận chiến".
Ngày 10/8/1961 ghi dấu việc Mỹ bắt đầu rải chất độc da cam ở Việt Nam nhằm giành ưu thế trong chiến tranh. Mỹ đã rải hơn 70 triệu lít thuốc diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam, trong đó có hơn 40 triệu lít chất độc da cam dioxin. Chất độc dioxin là loại chất diệt cỏ được xếp vào hàng những chất nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ bởi khả năng reo rắc cái chết mà nó còn để lại những di chứng cho nhiều đời sau. Dù tuyên bố chưa từng sử dụng vũ khí hóa học trong Chiến tranh Việt Nam, nhưng trên thực tế Quân đội Mỹ vẫn âm thầm sử dụng thứ vũ khí giết người hàng loạt này và gắn cho chúng cái mác "vũ khí phi sát thương".
Tên chất độc da cam là được gọi theo màu của các công-ten-nơ vận chuyển loại chất diệt cỏ này, chúng có một sọc màu da cam để đánh dấu. Mỹ đã từng sử dụng 15 loại thuốc diệt cỏ khác nhau tại Đông Nam Á, bao gồm các loại chất độc màu da cam, xanh, trắng, hồng và tím, tất cả đều là hỗn hợp của các loại thuốc diệt cỏ khác nhau. Trong đó, chất độc da cam là hỗn hợp hai loại thuốc diệt cỏ 2-4-D và 2-4-5-T. Chất độc da cam được phát hiện trong một nghiên cứu của tiến sĩ thực vật học Arthur W.Galston. Tuy nhiên ông không có chủ định tạo ra một loại chất độc hóa học mà chỉ muốn sử dụng nó như một phần trong nghiên cứu của mình. Sau đó, nó được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Chính Galston đã trở thành một trong những nhà vận động hàng đầu để chống lại việc sử dụng chất độc da cam. Sau đó làn sóng phản đối lan rộng, cho rằng đây là hành vi vô đạo đức, trước những sự phản đối gay gắt, tổng thống Nixon đã ra lệnh cấm sử dụng loại chất độc này.
Thực tế, quân đội cũng như người dân Việt Nam là những người phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, tuy nhiên chính những người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam cũng đã phải gánh chịu tác hại của chất độc da cam do tiếp xúc. Năm 1978, Bộ Cựu chiến binh của Mỹ đã thành lập một chương trình giúp đỡ các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam. Chương trình đã kiểm tra sức khỏe của trên 300.000 cựu chiến binh đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Họ được chăm sóc sức khỏe, bồi thường thiệt hại do việc tiếp xúc với chất độc da cam, bên cạnh đó chương trình còn hỗ trợ con cái của các cựu chiến binh khi sinh ra bị dị tật, chăm sóc y tế và giáo dục đặc biệt.
Mặc dù chiến tranh đã qua rất lâu nhưng những nỗi đau mà những nạn nhân chất độc da cam phải gánh chịu lại chưa nguôi bao giờ. Có người dị tật, khiếm khuyết, có người bị ảnh hưởng trí não và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là vết thương dù không chảy máu nhưng nó dai dẳng và là nỗi ám ảnh của nhiều người dân Việt Nam. Chất độc da cam đã làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn. Nó làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân với biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ phải hứng chịu. Ngoài hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì phơi nhiễm độc chất đáng sợ này, con cháu của họ cũng đang phải vật lộn chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh…
Vì thế, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là trách nhiệm của toàn xã hội, giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2004, ngày 10/8 hàng năm được lấy làm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đã có nhiều chính sách, nhiều hoạt động thiết thực nhằm giải quyết hậu quả chất độc hoá học do Mỹ gây ra ở Việt Nam và cùng chia sẻ với những nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Nguyên Lâm
Ý kiến ()