Nỗ lực bảo vệ biển và đại dương
Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, với 2.077 đảo lớn nhỏ, với dải bờ biển dài 250km, với 40.000ha bãi triều... Trong những năm qua, Quảng Ninh đã phát huy tốt những tiềm năng về biển. Tài nguyên biển và hải đảo được tỉnh khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Các vấn đề ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu. Đồng thời, tỉnh cũng có nhiều giải pháp để bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo.
Trong đó, bảo vệ môi trường biển được Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được cụ thể hoá trong các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, quy hoạch… của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương. Điển hình là ngày 1/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về “Tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Thực hiện chỉ thị, các địa phương, sở, ban, ngành đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, xử lý nghiêm tình trạng tàu sử dụng nghề, ngư cụ cấm, tận diệt trong khai thác hải sản. Năm 2018, tỉnh ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm.
Tiếp đó, Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị, nghị quyết như: Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 “Về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022”; Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 10/8/2021 về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030″…
Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản. Theo đó, tỉnh quy định rõ lộ trình thực hiện là từ ngày 1/1/2021, các cơ sở nuôi trông thủy sản lợ, mặn thực hiện đầu tư mới phải đáp ứng đúng theo quy chuẩn; từ ngày 1/1/2023, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang sử dụng vật liệu làm phao nổi không phù hợp sẽ phải thực hiện chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn. Đến cuối năm 2023, tỉnh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong nuôi trồng thủy sản. Đây được coi là giải pháp đột phá và cách làm mới của Quảng Ninh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sắp xếp lại vùng nuôi biển theo hướng bền vững, có quy hoạch, không sử dụng phao xốp gây ảnh hưởng đến môi trường biển, sử dụng phao bằng vật liệu thân thiện với môi trường; thiết lập mô hình quản lý dựa vào cộng đồng; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường phối hợp, hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường biển… Đồng thời, xác định, khoanh vùng, các khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái, duy trì cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản. Song song với đó, tỉnh cũng triển khai khoanh vùng, bảo vệ nguồn lợi một số loài đặc sản như sá sùng, ghẹ Trà Cổ, ngán, bào ngư, mực để khai thác hợp lý các loại thuỷ sản đặc hữu trên địa bàn.
Mặt khác, Quảng Ninh cũng cũng tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ môi trường biển; quy định cụ thể việc xử lý chất thải, nước thải… tại các cơ sở nuôi và vùng nuôi tập trung. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường tự động đáp ứng yêu cầu kiểm soát và cảnh báo nguy cơ về môi trường tại các vùng nuôi biển tập trung; xử lý nghiêm hành vi huỷ hoại môi trường, xả thải gây ô nhiễm môi trường biển của tàu cá và ngư dân trong sinh hoạt, sản xuất tại các cơ sở nuôi.
Với những chủ trương xuyên suốt trong bảo vệ môi trường, đến nay, Quảng Ninh đã có môi trường và vùng biển trong sạch hơn. Tỷ lệ rừng ngập mặn sinh trưởng tốt, những đàn cò, đàn chim trời trở về cư ngụ ở vùng đất, vùng nước tự nhiên có hệ sinh thái phù hợp trên địa bàn; những đàn cá heo, cá voi, rùa biển quý hiếm xuất hiện liên tục trên vùng biển Vân Đồn, Cô Tô, Hạ Long... Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển của tỉnh đang ngày càng trong sạch, trù phú, thân thiện với các loài sinh vật biển.
Ý kiến ()