Những tiếng pháo lạc lõng
Việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ đã được Chính phủ nghiêm cấm từ nhiều năm nay. Và năm nào cũng vậy cứ vào dịp chuẩn bị đón Tết, Chính phủ và các địa phương đều có chỉ thị nhắc lại các quy định cấm này. Thực tế thời gian đầu các địa phương và người dân thực hiện khá nghiêm túc quy định của Chính phủ. Song, thời gian gần đây có thể do sự sao nhãng của chính quyền các cấp, ý thức tự giác của người dân giảm sút nên tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo có chiều hướng phức tạp trở lại.
Thực tế cho thấy cứ vào dịp giáp Tết là hoạt động buôn lậu pháo qua biên giới lại trở nên nóng bỏng. Pháo lậu được vận chuyển cả bằng đường bộ và đường biển, trên nhiều loại phương tiện. Liên tiếp trong thời gian qua các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu pháo, trong đó có vụ vận chuyển tới vài tấn pháo. Không ai dám chắc rằng số pháo nhập lậu đã được bắt giữ triệt để; chắc chắn có một tỷ lệ không nhỏ đã vượt qua các hàng rào kiểm soát để vào sâu trong nội địa. Chính vì vậy đã có nhiều vụ buôn bán, kinh doanh pháo bị bắt giữ ở các địa bàn phía trong.
Hiện nay lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan đang rất nỗ lực, tích cực phối hợp với các lực lượng, ngành chức năng và các địa phương để đẩy mạnh công tác ngăn chặn pháo nhập lậu. Các tổ dân cư, trường học đã tổ chức cho người dân và học sinh ký cam kết không mua bán, tàng trữ, đốt pháo. Đây là việc làm cần thiết, song nếu không triển khai một cách khoa học, hiệu quả thì những việc làm đó chỉ mang tính hình thức. Điều cơ bản là phải tạo ra sự chuyển biến, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân. Trong đó đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức ở phường, xã, các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh... Chỉ khi nào các lực lượng này vào cuộc thực sự mới có thể ngăn chặn được những tiếng pháo lạc lõng...
Ý kiến ()