Những thói quen sai lầm làm tăng nguy cơ đột quỵ trong mùa lạnh
Hiện nay, tình trạng đột quỵ ở người trẻ tuổi xảy ra nhiều và đang trở nên đáng báo động. Đột quỵ ở người trẻ thường có nguyên nhân từ sự chủ quan không coi trọng việc khám sức khỏe định kỳ cộng với thói quen sinh hoạt thiếu khoa học.
Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều trường hợp rất trẻ, thậm chí ngoài 20 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Nguyên nhân hay gặp gây đột quỵ ở người trẻ tuổi là: Tăng huyết áp, stress, chế độ ăn, lười vận động… Ngoài ra còn một số căn nguyên do di truyền như bệnh lý tim mạch, bệnh lý dị dạng mạch máu não hình thành tổn thương ngay từ khi còn nhỏ.
Các trường hợp bị đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và ngày càng gia tăng ở người trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do sự chủ quan nghĩ rằng đột quỵ chỉ ở người già, nhiều người trẻ nghĩ có sức khỏe tốt, không khám sức khỏe, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết bệnh, dẫn đến việc nhập viện muộn, khó điều trị.
Ngoài việc đề phòng những nguyên nhân kể trên, còn có những nguyên tắc trong cuộc sống hàng ngày bạn cần nhớ để tránh làm tăng nguy cơ đột quỵ, thậm chí tử vong.
Không thờ ơ với những cơn đau ngực, khó thở
Theo PGS.TS. Phạm Như Hùng (Bệnh viện Tim Hà Nội), các triệu chứng như đau ngực, tức ngực và khó thở có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng loạn nhịp tim hoặc thiếu oxy tim. Nhiều người chủ quan và bỏ qua những dấu hiệu này, chỉ nghĩ đó là hậu quả của một ngày làm việc mệt mỏi và hậu quả nặng nề nhất có thể là một cơn đột quỵ trong đêm. Nếu là một cơn đau tức ngực thoáng qua thì có thể chỉ là một triệu chứng nhỏ của các bệnh thông thường như ăn uống khó tiêu. Tuy nhiên, nếu tình trạng tức ngực diễn ra liên tục, liên quan đến gắng sức, lặp đi lặp lại với cường độ tăng dần thì nhiều khả năng đây là dấu hiệu của các bệnh lý đặc biệt nguy hiểm như bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh lý vùng thành ngực. Trong đó, đau ngực do bệnh lý tim mạch thường đe dọa tính mạng con người nhiều nhất. Vì vậy, nếu triệu chứng đau ngực tái diễn nhiều lần thì bạn nên đi khám chuyên khoa tim mạch và làm một số xét nghiệm như máu, điện tim đồ, siêu âm tim, chụp X-quang ngực, test gắng sức, chụp MSCT động mạch vành... Sau khi có kết quả bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ có chẩn đoán xác định và tư vấn điều trị cụ thể.
Tuyệt đối không tập thể dục thể thao ngoài trời vào buổi sáng mùa đông lạnh giá
Nhiều người trong chúng ta vẫn mặc định rằng, tập thể dục buổi sáng là một thói quen tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đó chính là cái ‘bẫy’ với chính sức khỏe của chúng ta vào những sáng mùa đông lạnh giá. Những nguy cơ đi kèm với thói quen này là huyết áp tăng cao, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc loạn nhịp tim. Với thời tiết lạnh giá, khoa học nhất là bạn tập những bài tập đơn giản trong nhà như aerobic hoặc yoga...
Đừng tăng gánh nặng cho tim với bữa tối nhiều calo
Khi thời tiết lạnh, con người thường có bản năng nạp năng lượng nhiều hơn bình thường, đặc biệt là những thực phẩm nhiều chất béo, muối và đường. Hậu quả là lượng đường trong máu và huyết áp tăng khó kiểm soát, tăng thêm áp lực cho tim.
Khi chúng ta đi vệ sinh vào ban đêm, do tâm lý chủ quan là vẫn ở trong nhà, thường chúng ta ‘cắn răng’ chịu lạnh một chút, không khoác thêm áo hay khăn khi ra khỏi chăn ấm. Vô tình, sự chênh lệch giữa nhiệt độ ấm áp trong chăn và trong nhà vệ sinh có thể khiến bạn gặp tai nạn đột quỵ.
Không ngủ trùm chăn kín đầu
Ngủ trùm chăn kín đầu là thói quen của không ít người trong chúng ta. Tuy nhiên, đây là một hành vi ảnh hưởng không tốt đến hệ hô hấp và có thể gây ngạt thở. Lưu ý, luôn chừa khoảng trống để thở và tuyệt đối không trùm chăn kín đầu.
Không uống rượu quá nhiều
Rượu làm giãn mạch máu và đẩy nhanh quá trình mất nhiệt. Người uống rượu khi đi ra ngoài trời sẽ có khả năng bị đột quỵ do thân nhiệt bị hạ đột ngột trong môi trường không khí lạnh.
Tránh tắm khi thời tiết quá lạnh giá
Khi trời lạnh giá, nguy cơ tim và não bị tắc nghẽn mạch máu sẽ tăng lên. Nếu khoảng cách nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường càng lớn, khả năng bạn bị đột quỵ càng cao. Theo các nghiên cứu, ngay cả với những người khỏe mạnh không có tiền sử bệnh lý, nguy cơ đột quỵ cấp tính cũng cao gấp 4 lần nếu mức chênh lệch này vượt quá 5 độ. Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo bạn cẩn trọng không để cơ thể bị nhiễm lạnh. Chả hạn, vào những ngày đông giá buốt, bạn nên làm ấm phòng tắm bằng cách bật lò sưởi trước khi tắm.
Ý kiến ()