Những nguy hiểm khi lạm dụng viên ngậm trị ho, viêm họng
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc chữa ho, viêm họng, trong đó có dạng viên ngậm. Đây là dạng thuốc được nhiều người ưa dùng vì dễ sử dụng, rẻ tiền và có hương thơm, vị ngọt hấp dẫn.
Viên ngậm ho có chữa dứt ho, viêm họng hay không?
Việc sử dụng thường xuyên loại thuốc này có thể dẫn đến những hậu quả cho sức khỏe nếu không điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh.
Thuốc viên ngậm trị ho, viêm họng là thuốc dạng viên mà người dùng không được nuốt, chỉ nên ngậm giữ trong khoang miệng hoặc đặt dưới lưỡi cho tan để hoạt chất phóng thích và hấp thu qua niêm mạc miệng, cho tác dụng tại chỗ. Trên thị trường hiện nay viên ngậm trị đau họng chia làm 2 loại: loại dùng để giảm ho, đau họng thông thường do thay đổi thời tiết và loại dùng để trị đau họng do nhiễm khuẩn, do các bệnh lý đường hô hấp gây ra.
Viên ngậm dùng trong trường hợp ho đau họng thông thường: Thành phần của viên thuốc là các thảo dược như cam thảo, cát cánh, bạc hà, bối mẫu, trần bì, mật ong, khuynh diệp…
Viên ngậm dùng khi đau họng do viêm nhiễm: Chữa đau họng, ngứa rát cổ, ho có đờm xanh, vàng, đục… Thành phần chủ yếu là chất kháng khuẩn, hóa chất có tính sát khuẩn mạnh: kháng sinh, amylmetacresol, diclorobenzyl alcohol. Có loại thuốc viên ngậm trị ho chứa hoạt chất như: tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu tràm (eucalyptol) hoặc dextromethorphan là chất ức chế phản xạ ho hoặc tinh dầu bạch đàn, mật ong, gừng, chanh... có tác dụng sát trùng, sát khuẩn, làm dịu các cơn ho, dịu thanh quản, đau họng, khản giọng...
Thực chất các loại viên ngậm ho chứa những chất sát trùng họng, có công dụng làm dịu cơn ho, dịu thanh quản, giúp sát trùng đường hô hấp, hỗ trợ điều trị các chứng ho, đau họng, khản giọng… chứ không có tác dụng chữa ho hay trị triệt để cơn ho, viêm họng. Mặc dù những loại thuốc ngậm này đem lại hiệu quả giảm đau rát, giảm ngứa họng nhanh chóng nhưng không nên lạm dụng khi bị viêm họng hoặc ho. Thuốc chỉ nên dùng phối hợp để trị ho, viêm họng ở tình trạng nhẹ.
Một số người khi thấy có triệu chứng ho hay viêm đau họng là tự ý mua thuốc này về sử dụng, không đi khám bệnh, đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội được điều trị kịp thời. Thuốc tuy có tác dụng làm dịu các triệu chứng viêm họng tức thì nhưng lại không có khả năng chữa trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh.
Lạm dụng viên ngậm trị ho có thể dẫn đến hậu quả gì?
Không nên dùng thường xuyên các viên ngậm vì không phải trường hợp ho nào cũng dùng được. Trường hợp bị viêm họng có nhiều đờm thì phản xạ ho là tốt để tống đẩy đờm nhớt ra khỏi cổ họng và giảm viêm. Viên ngậm làm giảm cơn ho, ức chế ho, đồng thời làm giảm lượng đờm thoát ra sẽ làm tình trạng viêm nặng hơn. Hơn nữa do đờm không tiết được ra ngoài, nếu lâu ngày sẽ biến chứng thành viêm đường hô hấp mạn tính cực kỳ nguy hiểm. Do vậy trong một số trường hợp viêm đường hô hấp, việc dùng viên ngậm ho không có tác dụng.
Hơn thế nữa, để làm giảm triệu chứng, bệnh nhân phải thường xuyên ngậm thuốc thì mới có thể tạm ngưng các triệu chứng bệnh. Và do phải ngậm thuốc liên tục như vậy, khiến bệnh nhân ngày một lệ thuộc vào thuốc. Khi hết viên ngậm, tình trạng viêm và ho sẽ càng nặng hơn. Trong tình trạng phải lệ thuộc thuốc mà bệnh thì không khỏi, thậm chí ngày càng nặng hơn, sẽ rất khó điều trị sau này. Vì vậy, khi bị ho, viêm họng, thì nên đi khám bệnh để có chỉ định dùng thuốc theo đúng tình trạng bệnh.
Bên cạnh đó, một vài loại viên ngậm có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe như người bị hen suyễn, những người có cơ địa bị dị ứng với thuốc sát trùng, giảm đau. Những người đang dùng thuốc trị bệnh tim, các bà mẹ đang mang thai hay cho con bú cũng nên tránh tự ý sử dụng những loại thuốc ngậm viêm họng này mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc có thể làm bệnh kéo dài hoặc nặng thêm.
Riêng với trẻ nhỏ, việc dùng viên ngậm trị ho, viêm họng sẽ nguy hiểm, bởi viên ngậm phóng thích thuốc và cho tác dụng tại chỗ, do vậy phải ngậm lâu trong miệng mới có tác dụng. Trẻ nhỏ chưa ý thức được, nên việc ngậm thuốc lâu trong họng dễ bị sặc, hóc. Nếu con nhai thuốc nhanh như nhai kẹo thì các hoạt chất trong viên ngậm chỉ thoáng qua cổ họng, không có tác dụng. Mà con ngậm lâu khi đang mải chơi thì rất dễ hóc dị vật đường thở và gặp nguy hiểm. Do vậy khi con ngậm thuốc, cần có sự giám sát chặt chẽ của người lớn, để tránh gặp tai biến khi sử dụng. Tuyệt đối không nên cho trẻ lạm dụng viên ngậm, bởi các hoạt chất có trong thuốc như bạc hà, dễ khiến niêm mạc miệng của trẻ bị phồng rộp, nhất là những trẻ có cơ địa nhạy cảm.
Ý kiến ()