Xuân về trên vùng biên giới Bình Liêu
Những ngày này, đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) đang háo hức chờ đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Để ai cũng có Tết, huyện đã nỗ lực chăm lo từ vật chất đến tinh thần cho nhân dân.
Những ngày này, các cơ sở sản xuất, chế biến miến dong của huyện Bình Liêu lại nhộn nhịp hơn, bởi tiếng xe cộ từ các nơi xa gần đến thu mua, tiếng nói cười của mọi người. Ai cũng vội vàng, hối hả để có những gói miến dong ngon nhất phục vụ khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán.
Là xã có diện tích trồng dong riềng lớn nhất huyện, khoảng 60ha, Húc Động hiện có 8 cơ sở sản xuất miến dong. Dự kiến năm 2024, các cơ sở sản xuất được 140 tấn miến, doanh thu đạt gần 13 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động địa phương trong 3 tháng cuối năm, với mức thu nhập bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng.
Chị Lục Thị Thân (thôn Nà Ếch, xã Húc Động) là lao động thời vụ của HTX Phát triển Đình Trung, phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi được giao 3ha đất để trồng hồi và quế. Những năm gần đây, nghề sản xuất miến dong của xã phát triển đã tạo thêm việc làm cho người dân chúng tôi trong lúc nông nhàn. Nhờ nguồn thu nhập này, gia đình tôi có điều kiện mua sắm Tết đầy đủ hơn. Năm nay, ngoài những thực phẩm thiết yếu như gạo nếp, thịt lợn, bánh, mứt, kẹo… tôi còn có tiền để sắm thêm đệm, chăn bông, quần áo để các con đón Tết ấm cúng và trọn vẹn hơn.
Theo Chủ tịch UBND xã Húc Động Đinh Tiến Dũng, nguồn thu từ sản xuất miến dong đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững người dân trong xã. Đến thời điểm này, Húc Động chỉ còn 2 hộ nghèo, 51 hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh, giảm 8 hộ nghèo và 34 hộ cận nghèo so với năm 2023. Mức sống của người dân không ngừng được nâng cao, nên ai cũng háo hức, phấn khởi chuẩn bị tươm tất mọi thứ để chuẩn bị đón chào năm mới.
Qua rà soát của địa phương, hết năm 2024 huyện Bình Liêu còn 8 hộ nghèo, 645 hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Để mọi người, mọi nhà đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau, ngoài ngân sách địa phương, huyện Bình Liêu đã vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tặng quà cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn.
Đến nay, huyện đã tổ chức trao tặng quà Tết của Chủ tịch nước cho 211 đối tượng chính sách; tặng quà của tỉnh cho 1.961 đối tượng là người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng; quà của các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh cho 383 đối tượng; quà của UBND huyện cho 70 đối tượng với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn trao tặng 714 suất quà cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo với trị giá 1 triệu đồng/suất.
Bình Liêu là huyện miền núi có nhiều nền văn hóa, di sản cộng đồng của các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu… cùng sinh sống. Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, huyện Bình Liêu sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, ý nghĩa tại Quảng trường 25/12 (thị trấn Bình Liêu), như: Chương trình nghệ thuật Mừng Đảng - Mừng xuân chào năm mới Ất Tỵ 2025 diễn ra vào tối 28/1 (đêm giao thừa), chương trình bắn pháo hoa trong đêm giao thừa; liên hoan, giao lưu nghệ thuật hát then, đàn tính năm 2025 tại Lễ hội đình Lục Nà (từ ngày 15 đến 17 tháng Giêng)…
Đặc biệt, từ mùng 2 đến hết mùng 5 Tết, tại các xã, thị trấn của huyện sẽ diễn ra các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian, như: Đàn tính hát then, hát soóng cọ, đẩy gậy, đánh quay, ném còn, bắn nỏ, bóng đá… Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, đồng thời tạo khí thế, động lực mới trong nhân dân vững tin đón một mùa xuân mới tràn đầy hy vọng.
Ý kiến ()